Quảng Trị - Tìm về vùng đất "thiêng"

Quảng Trị thuộc vùng duyên hải miền Trung, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp biển Đông. Mảnh đất kiên cường và anh dũng này đã đi qua cuộc chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam và sự hy sinh anh dũng của bao người con ưu tú, bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống cho sự hòa bình và phồn thịnh của đất nước. Những tên làng, tên núi, tên sông như: sông Bến Hải - cầu Hiền Lương, thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc, đường 9 - Khe Sanh, đảo Cồn Cỏ anh hùng, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang quốc gia Đường 9… đã đi vào ký ức của mọi người như những kỷ niệm khó phai mờ. Đến với Quảng Trị hôm nay, ngoài được trải nhiệm những hồi ức lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, du khách còn cảm nhận được vẻ đẹp của rừng, biển, đảo đặc trưng của vùng đất duyên hải miền Trung. Một hành trình mới mẻ, hấp dẫn trên vùng đất Quảng Trị huyền thoại đang chờ đón du khách cùng khám phá.

Cửa Tùng - Bãi tắm nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị

Danh lam thắng cảnh

Quảng Trị có bờ biển dài 75km với nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Triệu Lăng, Vĩnh Kim, Vĩnh Thái...; có đảo Cồn Cỏ địa chỉ nghỉ dưỡng lý tưởng. Rừng Quảng Trị có nhiều cảnh đẹp với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm như Rú Lịnh, trằm Trà Lộc, Khu danh thắng Đakrông, Rào Quán, Khe Sanh, Khe Gió, thác Ồ Ồ, động Brai... là những khu du lịch sinh thái đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Cửa Tùng và bãi tắm Cửa Tùng

Cửa tùng thuộc thị trấn Cửa Tùng. Đi từ cầu Hiền Lương, đi khoảng 10km về phía Đông Bắc là du khách đến với bãi tắm Cửa Tùng. Bãi tắm Cửa Tùng được mệnh danh là nữ hoàng của các bãi tắm, một điểm nhấn đẹp đẽ và nên thơ trong cả một vùng cửa biển. Bãi tắm Cửa Tùng không rộng và dài nhưng phẳng lặng, nước trong xanh. Hai bãi đá ngầm ăn sâu ra biển từ 2 phía là Mũi Si và Mũi Lai đã tạo nên một vịnh nhỏ kín đáo và không có các dòng hải lưu cuốn xoáy. Ôm lấy bãi biển Cửa Tùng là dải đồi đất đỏ bazan với những dải đá kéo dài ăn sâu ra biển cùng với bãi cát mịn màng. Trên đồi là khu dân cư trù mật với những vườn cây như mít, chè, dứa, chuối, chôm chôm, mãng cầu… Đến đây du khách còn có thể thưởng thức nhiều hải sản quý và ngon có tiếng như mực nang, tôm he, tôm hùm, cá thu…

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Lào, thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Lao Bảo là một trong những khu kinh tế cửa khẩu quan trọng của Việt Nam và là địa điểm mua sắm miễn thuế nổi tiếng với đủ loại các mặt hàng giá rẻ từ các nước lân cận. Đến đây du khách sẽ được mua hàng miễn thuế các mặt hàng của các quốc gia lân cận.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Động Brai và thác Tà Puồng

Động Brai nằm sát bờ sông Se-bang-hieng cách biên giới Việt Nam - Lào khoảng 2km về phía Đông, thuộc địa phận xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Động Brai càng vào sâu càng rộng; thạch nhũ đồ sộ, tráng lệ nhiều màu sắc với hình thù độc đáo; có bãi đá rộng nguyên sơ; không khí trong lành, mát mẻ. Thác Tà Puồng hùng vĩ đổ nước quanh năm như dải lụa trắng xóa vắt qua tán rừng xanh tốt mang đậm nét hoang sơ, quyến rũ của đất trời miền Tây Quảng Trị. Động Brai và thác Tà Puồng nằm liền kề nhau, là những điểm đến vô cùng hấp dẫn và thú vị cho nhưng ai ưa thích khám phá vẻ đẹp kỳ bí của núi rừng, thác nước và hang động.

Bãi biển Cửa Việt

Cách thành phố Đông Hà 15km, bãi tắm Cửa Việt thuộc thị trấn Cửa Việt. Cửa Việt trải dài với bãi tắm rộng, cát trắng mịn, sạch sẽ bên những rừng dương xanh. Trong cái nắng cháy của gió Lào, cát trắng, được phơi mình trong dòng nước trong xanh, bãi cát trắng mịn duyên dáng, tham gia vào các trò chơi biển, thưởng thức những món hải sản bổ dưỡng, thơm ngon... sẽ là những giây phút thật sảng khoái, khó quên.

Đảo Cồn Cỏ

Cồn Cỏ là một hòn đảo nằm giữa biển Đông, cách đất liền khoảng 30km, có diện tích 2,3km2. Trong kháng chiến trống Mỹ cứu nước, đây là điểm tiền tiêu kiên cường, anh dũng với nhiều lần lập nên chiến công vang dội, được hai lần tuyên dương là đảo anh hùng. Được thiên nhiên ưu đãi, đảo Cồn Cỏ có thảm thực vật, hệ sinh thái biển đa dạng cùng những rặng san hô tuyệt đẹp. Đặc biệt, ở đây có san hô đỏ lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta. Cùng với san hô là hệ động thực vật, nhuyễn thể, giáp xác phong phú như rong biển, sao xanh, hải sâm và nhiều thủy hải sản có giá trị khác. Với môi trường trong lành và vẻ đẹp hoang sơ, Cồn cỏ sẽ là địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Di tích Lịch sử - Văn hóa

Lịch sử đã để lại trên mảnh đất Quảng Trị một hệ thống di tích đồ sộ và độc đáo. Trong số 498 di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, có 4 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 21 di tích được xếp hạng quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích này có giá trị lớn đối với hoạt động du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn. Đây là sự khác biệt lớn nhất của Du lịch Quảng Trị với các địa phương khác.

Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị được xây dựng và đắp bằng đất từ đầu thời vua Gia Long (năm 1802) tại làng Tiền Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Đến năm 1809, vua Gia Long cho dời thành đến xã Thạch Hãn (nay là phường 2, thị xã Quảng Trị). Năm 1837, vua Minh Mạng đã cho xây lại thành bằng gạch nung cỡ lớn, kết dính bởi vôi, mật mía và một số phụ gia khác. Thành có dạng hình vuông với chu vi gần 2.000m, cao 9,4m, chân thành dày 12m. Bao quanh tường thành là hệ thống giao thông hào rộng. Bốn góc thành có 4 pháo đài cao, chính giữa 4 mặt thành là các cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu, mỗi cửa rộng 3,4m, được xây theo kiểu vòm cuốn, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói. Nơi đây đã từng chứng kiến nhiều cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta, tiêu biểu là trận đánh của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chống lại các đợt phản kích tái chiếm thành cổ Quảng Trị của ngụy quyền Sài Gòn trong suốt 81 ngày đêm mùa hè năm 1972 (từ 28/6 đến 16/9/1972). Trải qua sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, thành cổ chỉ còn lại dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng Tiền và cổng Hậu. Từ năm 1993 - 1995, hệ thống hào, cầu, cống, một số đoạn thành và cổng Tiền đã được tu sửa lại. Đặc biệt, một đài tưởng niệm lớn đã được xây dựng ở chính giữa thành cổ nhằm ghi nhớ công lao của những chiến sĩ giải phóng đã hy sinh vì sự bình yên của mảnh đất này. Góc phía Tây Nam thành là bảo tàng lưu giữ rất nhiều chứng tích chiến tranh. Ngày12/12/1986, thành cổ Quảng Trị đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, thành cổ Quảng Trị là điểm đến thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Thành cổ Quảng Trị - Nơi ghi dấu những chiến tích anh hùng của dân tộc

Di tích Đường 9 anh hùng

Trong khói lửa bom đạn của chiến tranh, Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt, đồng thời đó cũng là nổi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và Ngụy trong những năm 1965 - 1972. Chiến tranh đã đi qua hơn 1/2 thế kỷ nhưng Đường 9 đã trở thành đất thiêng khi nơi đây, mỗi tên đất tên làng dọc theo trục đường này đều gắn theo đó là những chiến công oai hùng của lịch sử như quân cảng Cửa Việt, căn cứ Khe Sanh, Làng Vây, nhà tù Lao Bảo, sân bay Tà Cơn..., trên mỗi đoạn đường đi qua đều có một tượng đài, một di tích gợi nhớ về một quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của quân và dân ta. Giờ đây tại Km7 quốc lộ số 9 có một nghĩa trang liệt sĩ quốc gia mang tên Đường 9 có tổng diện tích đất mộ là 13ha với 16 hạng mục công trình lớn nhỏ. Đây là nơi yên nghỉ của hơn một vạn anh hùng, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nằm trong lòng thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, cách thành phố Đông Hà chừng 12km về phía Tây. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào ngày 25/1/1991. Khu trụ sở Chính phủ được xây dựng trên diện tích 17.300m2, chia làm 2 khu độc lập: khu A và khu B. Khu di tích là một trong những minh chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của nhân dân miền Nam; là biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Cụm Di tích lịch sử đôi bờ sông Bến Hải - cầu Hiền Lương

Thuộc địa phận các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh và xã Trung Hải, huyện Gio Linh, cụm Di tích Lịch sử đôi bờ cầu Hiền Lương - sông Bến Hải là biểu tượng rạng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đến với cụm Di tích lịch sử đôi bờ cầu Hiền Lương - sông Bến Hải du khách có thể tham quan các điểm: khu vực đôi bờ Hiền Lương, đồn công an Hiền Lương, đồn Công an Cửa Tùng nay thuộc doanh trại Đồn Biên phòng 204 (thị trấn Cửa Tùng), Cột cờ Hiền Lương, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam sông Bến Hải, còn các bến đò trên sông Bến Hải như Cửa Tùng (bến đò A), Tùng Luật (bến đò B), Lũy (bến đò C), Thượng Đông và Dục Đức. Trong đó, Cửa Tùng và Tùng Luật là 2 bến đò góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc. Cụm di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1986 và Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. Về thăm dòng Bến Hải - cầu Hiền Lương, đi dưới bầu trời cao xanh đầy nắng, mới cảm nhận hết những năm tháng đau thương, mất mát mà dân tộc ta phải trải qua để quyết giữ màu xanh của hòa bình và tự do. Trải qua biết bao “biến thiên” của thời gian, sông Bến Hải - cầu Hiền Lương đã trở thành “địa chỉ đỏ” được nhiều du khách thập phương tìm đến trong mỗi dịp hành hương về nguồn.

Cầu Hiền Lương - Chứng nhân của lịch sử

Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nằm trong lòng thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, cách thành phố Đông Hà chừng 12km về phía Tây. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào ngày 25/1/1991. Khu trụ sở Chính phủ được xây dựng trên diện tích 17.300m2, chia làm 2 khu độc lập: khu A và khu B. Khu di tích là một trong những minh chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của nhân dân miền Nam; là biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Địa đạo Vịnh Mốc

Địa đạo Vịnh Mốc thuộc huyện Vĩnh Linh. Địa đạo dài gần 2km gồm 3 tầng sâu dưới mặt đất. Nơi đây từng là pháo đài thép của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa trong suốt 7 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Địa đạo được thiết kế như một làng dưới mặt đất với 94 căn hộ gia đình, có giếng nước ngọt đáp ứng sinh hoạt của người dân địa đạo, có hội trường đủ sức chứa khoảng 60 người, bảng tin, nhà hộ sinh, nhà vệ sinh, phòng phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại, đài quan sát, trạm gác, hầm tránh bom khoan. Hiện nay, địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm hấp dẫn của tuyến du lịch nổi tiếng DMZ (khu vực phi quân sự), thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những cựu chiến binh Mỹ. Năm 1976, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận địa đạo Vịnh Mốc là Di tích quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng.

Địa đạo Vịnh Mốc

Bến sông Thạch Hãn

Bến sông Thạch Hãn nguyên là một bến sông của những chuyến đò ngang qua lại trên sông Thạch Hãn nối thị xã Quảng Trị với xóm làng vùng Triệu Thượng, Triệu Phong ở bến bờ Bắc. Đây là tuyến giao thông đường thủy có ý nghĩa quan trọng trong sự giao lưu kinh tế, văn hóa của cư dân hai bên bờ từ rất lâu đời. Bến sông Thạch Hãn với công việc thầm lặng của mình đã góp phần quan trọng cho sự đứng vững của bộ đội ta ở thành cổ trong suốt 81 ngày đêm oanh liệt. Địa danh này đã và đang phát huy giá trị, trở thành một địa chỉ không thể thiếu trong hành trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”; góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ; một điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi về với đất “thiêng” Quảng Trị anh hùng.

Lễ hội Quảng Trị

Quảng Trị có nhiều di tích văn hóa tâm linh và các lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội cách mạng đặc sắc. Các lễ hội ngày mùa, cồng chiêng, Arieuping... của đồng bào các dân tộc Pakô, Vân Kiều; Lễ hội cướp cù, đua thuyền... của đồng bào miền xuôi cùng các lễ hội cách mạng mang màu sắc, âm hưởng mới như: Lễ hội Thống nhất non sông, “Huyền thoại Trường Sơn”, “Khúc tráng ca về một dòng sông”, “Tri ân tháng 7”, Lễ hội “Hoa đăng trên sông Thạch Hãn”… gây xúc động mạnh mẽ và thu hút đông đảo nhân dân v à du khách đến tham gia.

Lễ hội Thống nhất non sông

Như đã thành thông lệ, cứ vào ngày 30/4 hằng năm, tỉnh Quảng Trị lại long trọng tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông và Lễ Thượng cờ tại kỳ đài Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Lễ hội là dịp để mỗi người ôn lại ký ức của một thời hào hùng, tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Đồng thời, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong khuôn khổ lễ hội, người dân cùng du khách tham dự các hoạt động như hội bài chòi, hội đua thuyền trên sông Bến Hải, tham quan bảo tàng vĩ tuyến 17… Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ gồm lễ thượng cờ trên kỳ đài bờ Bắc và khai mạc ngày hội. Phần hội gồm: các hoạt động cắm trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân trong tỉnh.

Lễ hội thống nhất non sông - Lễ hội trang nghiêm nhằm tôn vinh những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc

Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á

Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á được tổ chức 3 năm một lần vào trung tuần tháng 7 (từ 20 - 30/7) nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7 tại tỉnh Quảng Trị. Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của nhiều đoàn nghệ thuật trong cả nước tham gia cùng một số đoàn nghệ thuật, thể thao của các nước nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây như: Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc... Điểm nhấn tại Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á là liên hoan ca múa nhạc “Đường 9 Xanh”, hội chợ Thương mại - Du lịch, hội thảo du lịch quốc tế, chương trình chia tay giã bạn bên bờ biển. Các hoạt động này nhằm quảng bá Du lịch Quảng Trị và các vùng liên quan, từ đó góp phần hướng đến khai thác và phát triển tiềm năng kinh tế của các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Lễ hội Thành cổ - đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn

Lễ hội đêm Thành cổ thường được tổ chức vào ngày và đêm 1/5 tại thị xã Quảng Trị và định kỳ 5 năm một lần vào năm chẵn nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972). Hàng nghìn bè hoa, đăng đèn sáng lấp lánh lấp đầy cả một khúc sông như được trôi về từ miền ký ức hào hùng. Lễ hội có 2 phần: phần lễ tưởng niệm tại tượng đài thành cổ, kết hợp với kỷ niệm ngày giải phóng thị xã Quảng Trị; thả đèn hoa trên sông Thạch Hãn; lễ dâng hương ở các hương án; lễ cầu siêu chung cho các vong lĩnh đã mất và phần hội với các hoạt động giao lưu, tọa đàm dành cho cựu chiến binh thành Cổ; các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tôn vinh và quảng bá văn hóa truyền thống. Việc tổ chức chương trình đêm hoa đăng đã tạo nên một lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng riêng của thị xã Quảng Trị. Hoạt động này trở thành “sản phẩm du lịch tâm linh” độc đáo thu hút khách du lịch thập phương đến với thị xã Quảng Trị.

Thả đèn hoa đăng trong lễ hội Thành cổ

Lễ hội Trường Sơn huyền thoại - Lễ hội Tri ân tháng 7

Lễ hội Trường Sơn huyền thoại là hoạt động tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang quốc gia Đường 9 và các nghĩa trang khác ở tỉnh Quảng Trị. Lễ hội gắn với hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hàng năm, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tình cảm của nhân dân ta đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc. Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: Lễ cáo kết hợp với lễ viếng nghĩa trang được tổ chức trước ngày giỗ chính. Lễ giỗ tại đền thờ nghĩa trang dành cho các đoàn hành hương tổ chức trong 2 ngày 26 - 27/7. Lễ giỗ chính do lãnh đạotỉnh chủ trì tổ chức tại đài tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn vào chiều 27/7. Cùng ngày, tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh đều tiến hành lễ viếng và dâng hương. Phần hội gồm: các hoạt động như hành hương, cắm trại... được tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia. Tùy theo điều kiện từng lễ hội để tổ chức các hoạt động giao lưu nghệ thuật, tôn vinh chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Cuối ngày dâng nến trên tất cả các phần mộ ở hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia. Đại giỗ sẽ được tổ chức định kỳ 3 năm một lần.

 Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều lễ hội truyền thống khác như: rước kiệu La Vang, Lễ hội Tổ đình Sắc Tứ, Lễ hội chợ đình Bích La, Hội cướp cù Gio Linh, Lễ hội Arieuping… với những nét văn hóa đặc sắc là điểm nhấn trong bức tranh du lịch về nguồn cội ở tỉnh Quảng Trị.

Làng nghề truyền thống

Làng hoa An Lạc

Nằm bên dòng sông Hiếu hiền hòa, làng hoa An Lạc thuộc phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, là một làng hoa nổi tiếng và lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Làng hoa An Lạc có từ trước năm 1975, chủ yếu trồng các loại hoa như: cúc, hồng, ly, bát tiên… Vào các dịp lễ, rằm hay tết, làng hoa này cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục ngàn chậu hoa tươi các loại mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây.

Làng nghề hoa An Lạc rực rỡ sắc xuân

Nón lá Trà Lộc

Làng nón lá Trà Lộc đã có cách đây hàng trăm năm được người dân lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Nón lá Trà Lộc vừa đẹp, vừa bền được nhiều người yêu thích. Hiện nay thôn Trà Lộc có khoảng hơn 300/457 hộ chuyên nghề làm nón.

Nghề bánh ướt Phương Lang

Làng nghề bánh ướt Phương Lang ra đời cách đây gần một thế kỷ, trở thành nét văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc quê hương Phương Lang, xã Hải Ba. Trước đây, bánh ướt được làm theo lối thủ công truyền thống, cách làm khá đơn giản, nguyên liệu chính là gạo. Cái khéo léo của người làm bánh đó là bánh ướt không được quá dày, cũng không quá mỏng và được xếp thành từng chồng lên nhau.

Ẩm thực

Quảng Trị có một nền văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng và vô cùng tinh tế. Để hiểu thêm về con người, văn hóa sống của vùng đất này, du khách đừng quên khám phá ẩm thực Quảng Trị qua các món ăn chứa đựng cả nhân sinh quan của con người nơi đây.

Gỏi tép nhảy Bàu Trạng, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh

Được thiên nhiên ưu đãi, Bàu Trạng có diện tích mặt nước lớn cho tôm cá nhiều, mà tiêu biểu ở đây là con tép loại thủy sản nhỏ hơn tôm - nguồn nguyên liệu chính để làm nên món tép nhảy Bàu Trạng trứ danh. Tép được kéo từ bàu lên đang nhảy tanh tách đưa vào sơ chế râu, chân rồi đưa đi ngâm nước muối. Sau đó vớt ra, cho lạc rang chín, rau ngò tây cắt mịn và một số gia vị vào là đã có một món gỏi không nơi nào có.

Mít trộn (hay còn gọi là Thấu mít)

Đến miền đất nắng gió Quảng Trị, du khách không nên bỏ qua món mít thấu nghe lạ mà ngon đượm đà. Món ăn dân dã này đã khiến bao người đắm say bởi nó hòa quyện vị ngọt của mít, dai của miến, thơm lừng của lạc rang (đậu phộng)...

Độc đáo món mít trộn Quảng Trị

Bánh tày, bánh tét mặt trăng Đại An Khê

Nhắc đến bánh chưng, bánh tét cổ truyền ngày ết không thể không nhắc đến làng bánh tét Đại An Khê, xã Hải Thượng với sản phẩm nổi tiếng bánh tét hình bán nguyệt. Nguyên liệu chính của loại bánh này là nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ lợn. Loại bánh này có màu xanh rất đặc biệt, để có màu xanh đó thì gạo nếp được ngâm cùng với nước giã từ lá rau ngót. Sau khi luộc xong, lát bánh được cắt ra khi dọn lên đĩa có hình thức rất đẹp, phần nếp nấu chín có màu xanh của Lá, ở giữa phần nhân được làm bằng đậu xanh có hình mặt trăng. Với bề mặt tạo hình như vậy nên người dân ở đây đặt cho nó là bánh tét mặt trăng.

Với vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng lại được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận của toàn xã hội, sự liên kết hợp tác của các tỉnh, thành phố trong cả nước và các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, nhất định Du lịch Quảng Trị sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam