Hà Tĩnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Vùng đất này còn tự hào là địa phương sở hữu nhiều di sản được UNESCO vinh danh thế giới: dân ca ví - giặm, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ.
Phát huy lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, những năm gần đây, Hà Tĩnh luôn quan tâm ưu tiên phát triển du lịch, ban hành nhiều chủ trương, chính sách góp phần thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Nhờ vậy, Du lịch Hà Tĩnh đã có những bước tiến mạnh mẽ, vươn lên tầm cao mới.
Thành phố Hà Tĩnh trên đường đổi mới và hội nhập
Danh lam thắng cảnh
Với gần 137km đường bờ biển, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm lý tưởng như: Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con… Các khu du lịch biển tại Hà Tĩnh còn giữ được nét hoang sơ với những bãi cát trắng phẳng lì, nước trong xanh, níu chân du khách. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh còn có nhiều danh thắng như: núi Hồng - sông La, bến Tam Soa - Tùng Lĩnh, suối Tiên, đèo Ngang - Hoành Sơn quan, hồ Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Vũ Quang… là những điểm thu hút nhiều du khách.
Vườn quốc gia Vũ Quang
Vườn quốc gia Vũ Quang thuộc huyện Vũ Quang, nằm ở phía Tây tỉnh Hà Tĩnh, có độ cao trung bình trên 800m so với mặt biển, với nhiệt độ trung bình năm 2300C, lượng mưa 2.304,5mm. Với tính đa dạng sinh học cao Vũ Quang đã trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái đầy tiềm năng. Tại đây, du khách có thể thực hiện những chuyến du lịch mạo hiểm, khám phá những bí ẩn bất ngờ của rừng; hay tham gia tour thể thao đến thác Vũ Môn (huyện Hương Khê) theo huyền thoại cá chép hóa rồng… Vũ Quang không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên mà còn là khu di tích lịchsử ghi dấu những sự kiện lịch sử oai hùng trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp của Phan Đình Phùng cuối thế kỷ 19. Hơn một thế kỷ đã qua, Vườn quốc gia Vũ Quang vẫn còn dấu tích của những người anh hùng lưu lại với thời gian như chờ đợi du khách khám phá và tìm hiểu.
Vườn quốc gia Vũ Quang
Biển Thạch Hải - Quỳnh Viên
Bãi biển Thạch Hải dài 4km, nước sạch, cát mịn và bằng phẳng. Đến với biển Thạch Hải, du khách không chỉ tắm biển, mà còn có thể tham quan di chỉ khảo cổ Thạch Lạc theo đường 19/5. Quỳnh Viên là tên xưa nhất của núi Nam Giới nằm cách biển Thạch Hải không xa, tương truyền đời Hùng Vương, Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung tu tiên đắc đạo nơi đây. Trên núi có đền thờ Thánh Mẫu, dưới núi là ngôi miếu thờ cá voi. Đền có quy mô không lớn nhưng cảnh quan đẹp, yên bình. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Khu du lịch Thạch Hải - Quỳnh Viên còn sở hữu những khu nghỉ dưỡng cao cấp, những bể tắm nước ngọt và các món ăn đặc sản của vùng đất Hà Tĩnh... Với những lý do trên, Khu du lịch Thạch Hải - Quỳnh Viên là một địa chỉ mà du khách cần khám phá khi đến với Hà Tĩnh.
Khu du lịch biển Thiên Cầm
Với đường bờ biển dài 137km, Hà Tĩnh được thiên nhiên ban tặng nhiều bãi biển đẹp lý tưởng, trong đó Thiên Cầm được xem là bãi biển đẹp nhất, níu chân bao du khách phương xa. Bãi biển Thiên Cầm có hình cánh cung trải dài gần 3km bắt đầu từ núi Thiên Cầm đến núi Đầu Voi, cùng với Cùm Nậy (núi lớn) và Cùm Con (núi bé) tạo nên những phím đàn trời án ngự dòng suối Kỳ La, uốn lượn rồi chảy ra biển. Biển Thiên Cầm thoải, cát trắng mịn, nước trong xanh như ngọc. Đến Thiên Cầm, du khách còn có thể thăm nhiều thắng cảnh đẹp như Cửa Nhượng, đảo Én, suối nước ngọt... và được thưởng thức những đặc sản biển quý hiếm. Hiện nay, Khu du lịch biển Thiên Cầm đang được quy hoạch thành "Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Cầm" với tổng diện tích 1.557ha bao gồm các khu chức năng chủ yếu: Khu trung tâm đón tiếp và điều hành hoạt động du lịch và dịch vụ công cộng, Khu lưu trú chất lượng cao, Khu công viên sinh thái và văn hóa Thiên Cầm, Khu nghỉ mát tắm biển tổng hợp Nam Thiên Cầm, Khu làng nghề phục vụ du lịch biển, Khu nghỉ mát tắm biển kết hợp dân cư, Sân golf 18 lỗ, Khu vui chơi giải trí thể thao và Khu dự trữ phát triển du lịch biển chất lượng cao. Khu du lịch Thiên Cầm cùng với Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Khu du lịch sinh thái hồ Kẻ Gỗ sẽ tạo nên tuyến du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Khu Du lịch biển Thiên Cầm
Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia hồ Kẻ Gỗ
Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia hồ Kẻ Gỗ nằm về phía Tây huyện Cẩm Xuyên, có tổng diện tích tự nhiên 35.159ha, trong đó khu bảo tồn rộng 24.801ha, rừng phòng hộ rộng 10.358ha, trải dài trên 3 huyện Cẩm Xuyên (chủ yếu), Kỳ Anh và Hương Khê. Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia hồ Kẻ Gỗ có một hệ động thực vật rất phong phú, trong đó có 1 8 loài thú được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới… Hồ Kẻ Gỗ là công trình đại thủy nông nằm trong lòng khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia hồ Kẻ Gỗ. Từ một công trình thủy nông với mục đích điều tiết nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, hồ Kẻ Gỗ đã trở thành nơi cung cấp nguồn thủy sản dồi dào, tạo nên một vùng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, tạo tiền đề cho các dự án phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Hồ Kẻ Gỗ
Khu du lịch biển Xuân Thành
Thuộc địa phận huyện Nghi Xuân, cách thành phố Vinh 12km về phía Đông Nam, cách thành phố Hà Tĩnh 50km về phía Bắc, biển Xuân Thành là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách gần xa. Biển Xuân Thành còn giữ được vẻ nguyên sơ, kỳ bí và thơ mộng. Bãi biển dài hơn 5km, nước có độ mặn vừa phải, bãi thoải, cát trắng mịn màng. Điều tạo nên sự khác biệt cho Xuân Thành chính là song song với biển có con lạch nước ngọt Mỹ Dương từ núi Hồng Lĩnh chảy về uốn lượn theo chiều dài của biển với những rặng dừa ngày đêm soi bóng. Đứng trên cầu bắc ngang qua lạch, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc bao la của biển cả. Với hệ thống dịch vụ ngày càng phát triển, Xuân Thành đang trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Đến với Xuân Thành, ngoài tắm biển, nghỉ dưỡng và thưởng thức hải sản tươi ngon, du khách còn có thể kết hợp tham quan một số điểm du lịch lân cận, tham gia du thuyền Giang Đình Cổ Độ hay lắng mình trong những làn điệu dân ca ví - giặm đằm thắm để hiểu hơn về cuộc sống, tâm hồn và cốt cách của con người Hà Tĩnh.
Khu du lịch biển Lộc Hà
Lộc Hà có bãi biển dài 12km, hoang sơ, với nhiều bãi tắm thơ mộng như Chân Tiên, Xuân Hải. Chân Tiên là bãi biển có nhiều huyền tích. Biển thoải, cát trắng mịn màng, trên là núi, dưới là biển, giữa là dải rừng phi lao xanh ngắt tạo cho nơi đây một phong cảnh thật quyến rũ. Biển Xuân Hải nằm sát ngay trung tâm hành chính huyện Lộc Hà, trên có núi Bằng Sơn – nơi tương truyền có táng mộ tổ của Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, dưới là bãi biển mộng mơ với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Khu du lịch biển Lộc Hà trải dài từ xã Thịnh Lộc cho đến xã Thạch Kim. Đây là khu du lịch sinh thái biển, kết hợp rừng phòng hộ ven biển Lộc Hà. Nơi đây có những công trình phục vụ du lịch như Quảng trường Văn hóa biển mà điểm nhấn đầy ấn tượng là công viên - tượng đài Mai Hắc Đế; Khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao biển; khu du lịch tắm biển; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Cửa Sót... Biển Lộc Hà là một địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài tỉnh.
Hoành Sơn Quan và danh thắng đèo Ngang
Đèo Ngang nằm ở ranh giới của 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và là một danh thắng vốn đã nổi tiếng từ xưa. Nơi đây không chỉ nổi tiếng từ khi Thanh Quan nữ sĩ “Bước tới đèo Ngang…” để lại bài thơ bất hủ mà đã nổi tiếng từ thời Hoàng đế Lê Thánh Tông nam chinh đi qua đây để lại những vần thơ đề vịnh, sau đó còn có nhiều tao nhân mặc khách danh tiếng tiếp tục ghi lại cảm xúc khi qua nơi này. Cách đèo Ngang khoảng 4km về phía Bắc là biển đèo Con, thắng cảnh kỳ vĩ, tươi đẹp của đèo Con - Hoành Sơn quan - đèo Ngang từng đi vào thơ văn, nhạc họa. Hoành Sơn xưa là biên giới tự nhiên Việt - Chiêm, nay là địa giới hành chính giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hoành Sơn quan được xem như một chứng tích lịch sử đặc biệt, một điểm nhấn cho vẻ đẹp của dãy núi Hoành Sơn. Dừng chân nơi Hoành Sơn quan, giữa núi non bao la hùng vĩ, với không gian thoáng đãng, làm cho lòng người dạt dào cảm xúc. Nơi đây thực sự là điểm dừng chân lý tưởng cho các du khách trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam.
Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim
Khu du lịch sinh thái Sơn Kim trải rộng trên diện tích hơn 300ha, thuộc xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, cách thành phố Hà Tĩnh 100km, thành phố Vinh 80km, hình thành trên cơ sở của suối khoáng nóng Sơn Kim mà người dân địa phương quen gọi là "nước Sốt". Đến với Khu du lịch sinh thái Sơn Kim, du khách sẽ ngỡ ngàng trước không gian xanh của núi rừng với hệ động thực vật phong phú và đa dạng, cùng nhau lội bộ qua dòng suối trong xanh, ngắm cảnh thác nước hùng vĩ hay trải nghiệm các dịch vụ như du lịch mạo hiểm, câu cá giải trí, hồ bơi, ngâm trứng gà trong nước khoáng nóng và cùng nhau thưởng thức ngay bên dòng suối... Với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, thơ mộng và nguồn nước khoáng nóng không nơi nào sánh được, Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim thật sự là điểm đến nghỉ dưỡng lý tưởng, là “món quà” đầy ý nghĩa cho sức khỏe du khách muôn phương.
Khu Du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim
Khu du lịch sinh thái Hải Thượng
Khu du lịch sinh thái Hải Thượng tọa lạc ở phía Tây Hà Tĩnh (Hương Sơn), liền kề với Khu lăng mộ và tượng đài của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cách thành phố Vinh 40km, biển Cửa Lò 55km, động Phong Nha 150km và cách cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 45km. Đây là công trình du lịch mang đậm nét văn hóa tâm linh, kết hợp phong cách phương Đông và phương Tây. Tại Hải Thượng Resort có đầy đủ các dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng,tham quan của du khách như: khách sạn tiêu chuẩn 3 sao nhà hàng hiện đại với lối thiết kế hình lục giác độc đáocùng thế giới ẩm thực phong phú, khu vui chơi trẻ em, massage ngâm tẩm thuốc bắc và đặc biệt là khu hồ bơi với hệ thống máng trượt vô cùng hiện đại và đẹp mắt. Đến với Khu du lịch sinh thái Hải Thượng, du khách sẽ cảm nhận được hồn quê xứ Nghệ với không gian yên tĩnh cùng cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Nằm giữa những cánh rừng đại ngàn, khu du lịch như một thung lũng biệt lập nhưng cũng không kém phần tiện nghi.
Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi
Thuộc thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Đồng Nôi là điểm du lịch mới tại Hà Tĩnh. Từ một vùng cát trắng bao la, dưới bàn tay khéo léo, tinh tế của con người đã biến nơi đây trở thành một vùng đất có giá trị về du lịch. Đến đây, du khách sẽ được ngắm các “suối hoa”, “thảm hoa” đua sắc rực rỡ, chụp ảnh bên những khuôn hình độc đáo, tham gia các trò chơi dân gian, trải nghiệm các hoạt động như trồng rau, câu cá và thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng biển.
Thác Vũ Môn
Thác Vũ Môn thuộc địa phận huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, có độ cao gần 1.300m so với mặt biển. Thác có 4 cấp nước, lòng thác rộng 27,5m, lượng nước quanh năm không khi nào cạn. Ngay ở chân thác Vũ Môn là những tảng đá lớn gối lên nhau, đặt ở các vị trí không đồng đều hình thành nên các hang. Từ chân thác nước chảy về xuôi qua các khe đá, hốc đá tạo thành các vòng xoáy, vực nước tuyệt đẹp. Nơi đây trở nên huyền bí và kỳ vĩ bởi truyền thuyết hàng năm cá chép thi vượt thác để được hóa rồng mà dân gian đúc kết thành ca dao "Mồng bảy cá đi ăn thề/ Mồng tám cá về vượt thác Vũ Môn".
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Hà Tĩnh là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng. Đây là quê hương của nhiều danh nhân từ 3 trạng nguyên thời nhà Trần, 148 vị đại khoa thời nhà Nguyễn đến những tên tuổi nổi danh đất nước gắn với di tích lịch sử - văn hóa như: Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Quần thể di tích đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Khu lưu niệm Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc... Các đình, chùa nổi tiếng như: chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, đền Chiêu Trưng, đền bà Bích Châu, Sơn phòng Hàm Nghi… luôn hấp dẫn du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và chiêm bái.
Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du
Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du thuộc làng Tiên Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 50km, cách thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 8km. Quần thể di tích này là một tổ hợp bao gồm nhiều di tích: đền thờ Đại Vương tiến sĩ Nguyễn Huệ; đền thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng; đàn tế Nguyễn Quỳnh; 2 ngôi nhà Tư văn; khu mộ đại thi hào Nguyễn Du, bảo tàng Nguyễn Du và nhà thờ Nguyễn Du. Đến Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, du khách vừa có dịp được ngắm nhìn phong cảnh nơi đây vừa có dịp tìm hiểu thêm về giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể di tích Nguyễn Tiên Điền. Đặc biệt, nếu đến đây vào những ngày đầu xuân, du khách sẽ được thưởng thức những đêm thơ Nguyễn Du tại nhà Tư văn trong Khu lưu niệm Nguyễn Du.
Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Thời gian có thể khiến người ta quên đi bao tên sông, tên núi, nhưng khó ai có thể quên Ngã ba Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc) là điểm giao thông chiến lược của hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam trong chiến tranh. Để giữ cho mạch máu giao thông được thông suốt, biết bao xương máu của các chiến sỹ và nhân dân đã đổ xuống nơi đây, đặc biệt phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 vào ngày 24/7/1968. Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng về lòng yêu nước, ý chí, sức mạnh của thế hệ trẻ, là địa chỉ tâm linh hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Cách thành phố Hà Tĩnh 20km về phía Nam theo quốc lộ 1A, Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập thuộc thôn 8, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Đến với Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, du khách được hiểu rõ hơn những chặng đường đấu tranh cách mạng của đồng chí qua các bức ảnh, các hiện vật để lại. Khu di tích gồm khu lưu niệm và khu mộ ở đồi miếu Đồng Lem cách đó 1km. Bao bọc lấy di tích là những hàng cây xanh mát, không gian yên bình, thoáng đãng. Nơi đây là một điểm đến quan trọng trong tuyến du lịch về nguồn khi du khách đến tham quan tại Hà Tĩnh.
Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú
Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khu di tích thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, bao gồm khu lưu niệm và khu mộ. Khu lưu niệm có nhà thờ tiểu chi họ Trần và nhà trưng bày tài liệu, hiện vật về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Trần Phú. Khu mộ nằm trên núi Quần Hội, có mộ đồng chí Trần Phú, mộ song thân và mộ ông Trần Ngọc Danh - chú của Trần Phú. Đây là một quần thể di tích đẹp, sông núi hữu tình, trên có núi Quần Hội, Tùng Lĩnh, dưới có bến Tam Soa, ngã ba Linh Cảm.
Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú
Chùa Hương Tích
Chùa Hương Tích nằm trên ngọn Hương Tích của dãy núi Hồng Lĩnh, thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, gắn với tích công chúa Diệu Thiện tu hành hóa Phật. Ở trên độ cao gần 800m so với mặt biển, quanh năm ngôi chùa cổ này được che phủ bởi mây khói núi Hồng và lớp lớp huyền thoại về Chúa Ba - đức Phật cứu nhân độ thế. Trên đường đến với Hương Tích, du khách được đắm mình giữa cảnh sắc non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình của non xanh Hồng Lĩnh, thưởng ngoạn dòng nước thơm Hương Tuyền, khám phá nền lâu đài cổ Trang Vương. Hiện nay, chùa đã có hệ thống cáp treo, tuyến xe điện, thuyền rồng... phục vụ du khách lên chùa thuận tiện. Hội chùa Hương Tích bắt đầu từ 6/1 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 hàng năm, thu hút đông đảo du khách về trẩy hội.
Chùa Am
Chùa Am có tên chữ là Diên Quang Tự, tọa lạc trên núi Am thuộc xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ. Chùa do hoàng hậu Bạch Ngọc - vợ vua Trần Duệ Tôn sáng lập. Kiến trúc chùa Am không đồ sộ nhưng hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Du khách đến đây không chỉ được biết đến một công trình kiến trúc độc đáo đã được xây dựng từ 600 năm trước mà còn được chiêm ngưỡng những pho tượng phật cổ, hơn nữa, lại có cả tượng hoàng hậu Bạch Ngọc - người đã lập nên ngôi chùa này và rất nhiều sắc phong với nét bút tài hoa của người xưa cùng các hoa văn, ấn tín của nhiều triều phong kiến Việt Nam.
Đền Chiêu Trưng
Từ xưa, ngạn ngữ xứ Nghệ đã lưu truyền câu: “Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”. Đó là tên 4 ngôi đền nổi tiếng bậc nhất xứ Nghệ. Đền Chiêu Trưng nằm ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đền được dựng trên núi Long Ngâm, là ngọn núi cuối cùng của dãy Nam Giới từ đất liền uốn lượn ra biển làm bức bình phong án ngự phía Đông Cửa Sót. Đền Chiêu Trưng thờ Lê Khôi, thụy hiệu là Vũ Mục (vì thế, còn gọi là đền Vũ Mục), công thần khai quốc nhà Lê sơ. Hội đền từ ngày 1 - 3/5 âm lịch hàng năm thu hút rất đông du khách thập phương. Cái đẹp của đền không chỉ ở đường nét kiến trúc mà còn là sự hài hòa giữa công trình kiến trúc, không gian kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Liền một dải với đền Chiêu Trưng có đền thờ Liễu Hạnh công chúa, đền Cá Ông tạo thành một quần thể, đền miếu hài hòa cùng vẻ đẹp của núi non và biển trời, xứng đáng là một di tích danh thắng bậc nhất của vùng Thanh - Nghệ Tĩnh.
Chùa Chân Tiên
Chùa Chân Tiên (tọa lạc trên đỉnh núi Tiên An, một trong 99 ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh, được tôn xưng là “Tiên An đệ nhất danh lam”, nổi tiếng bởi khung cảnh nên thơ, hùng vỹ. Chùa Chân Tiên được xây dựng vào đời nhà Trần (thế kỷ 13), gồm có 2 tòa thờ Phật tổ và thờ Thánh Mẫu. Trong chùa có 13 pho tượng Phật, 2 con hạc sứ, kiệu thờ và nhiều đồ thờ, hoành phi câu đối. Nơi đây còn có quần thể tự nhiên đầy sức quyến rũ: giếng Tiên, bàu Tiên, động Trúc, động Mai, động Thạch Thất, đá Ông, đá Bà và dấu chân Tiên. Giữa núi Tiên An có một khối đá bằng phẳng, trên mặt đá in hình dấu bàn chân phải của người khổng lồ, người đời gọi đó là bàn chân Tiên. Cạnh đá chân Tiên có một mặt đá phẳng, trên mặt đá có đường kẻ ngang kẻ dọc gần như ô bàn cờ người đời gọi là bàn cờ Tiên. Lễ hội chùa Chân Tiên hàng năm tổ chức vào ngày mồng 3/3 âm lịch. Đến đây, ngoài việc lễ chùa, tham quan các dấu tích gắn liền với những câu chuyện kỳ thú, du khách có thể tắm biển Thịnh Lộc và thưởng thức các món ăn đặc sắc nơi đây.
Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu
Thuộc địa phận xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, đền rộng chừng 4.500m2 thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu - cung phi của vua Trần Duệ Tông, một phụ nữ văn võ toàn tài. Gặp buổi suy tàn của nhà Trần, bà đã soạn thảo và dâng “Kê minh thập sách”, hiến kế trị nước yên dân. Đền dựng từ đời Trần, theo kiểu tiền môn, hậu lăng; gồm 3 tòa hạ, trung và thượng điện. Trải qua sự biến thiên của thời gian và lịch sử, “đền thiêng nơi cửa biển” vẫn giữ được vẻ cổ kính, linh thiêng và trở thành địa chỉ du lịch tâm linh của du khách thập phương. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng linh thiêng ở một vùng cửa biển gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, mà còn có thể du ngoạn, nghỉ ngơi, tắm mát trên bãi biển Kỳ Ninh tuyệt đẹp.
Đền Chợ Củi
Đền Chợ Củi (Linh từ Thánh Mẫu) nằm tựa mình trên mái Bắc núi Ngũ Mã của dãy Hồng Lĩnh. Đây là nơi Hồng Lĩnh vươn mình sà vào dòng Lam Giang dịu dàng vỗ về núi Hồng tạo nên một vùng non nước hữu tình. Đền Củi được dựng từ thời Lê, thờ Liễu Hạnh công chúa và ông Hoàng Mười. Tòa điện cao dần theo thế núi uy nghiêm và đường bệ trong ngút ngàn màu xanh của rừng cây cổ thụ, ngoảnh mặt ra sông Lam, tạo nên một không gian vừa huyền ảo, linh thiêng vừa khoáng đạt và gần gũi. Vì thế nơi đây lúc nào cũng đông khách vãn cảnh, lễ đền. Lễ hội đền Chợ Củi diễn ra ngay từ đầu năm khi thời khắc năm mới bắt đầu nhưng hàng năm vào dịp ngày 3/3 âm lịch (ngày giỗ Thánh Mẫu) và ngày 10/10 âm lịch (ngày giỗ Quan Hoàng Mười) mới là lễ hội được tổ chức lớn và trọng thể nhất trong năm. Các sinh hoạt văn hóa dân gian như hát chầu văn, lễ hầu đồng diễn ra thường xuyên tại đền…
Đền chợ Củi, Hà Tĩnh
Văn hóa truyền thống
Từ thời Hùng Vương, Hà Tĩnh đã là một trung tâm của nền văn minh Đông Sơn, là vùng đất văn vật nổi tiếng thời Lê - Nguyễn. Đặc biệt, người Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học. Tự hào với truyền thống đó là Mộc bản Trường học Phúc Giang của dòng họ Nguyễn Huy đã được UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu thế giới. Hà Tĩnh cũng là vùng đất có đời sống văn hóa dân gian phong phú, được phản ánh qua các làn điệu dân ca, câu hát, vần thơ như: hát ca trù Cổ Đạm, chèo kiều Xuân Liên, hát ví phường vải Trường Lưu, Thường Nga; múa sắc bùa ở Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê; hò chèo cạn ở Cẩm Nhượng; hò Thạch Khê… đặc biệt, dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dân ca ví, giặm Hà Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Một số Lễ hội truyền thống
Hà Tĩnh hiện có hàng trăm lễ hội truyền thống rải rác khắp các làng quê, trong số đó hiện có hơn 30 lễ hội đã được phục dựng và duy trì khá tốt. Các lễ hội đều gắn với phong tục tập quán của từng địa phương và phản ánh đời sống lao động, sinh hoạt, tâm linh tín ngưỡng của một cộng đồng dân cư, bởi vậy nó mang đậm chất dân gian và tạo được sức hấp dẫn qua nhiều thế hệ. Lễ hội còn là nơi gắn kết, giao tình, là mạch nguồn cho cảm xúc thăng hoa. Vì vậy, đến với Hà Tĩnh, du khách hãy một lần tham gia, trải nghiệm với các lễ hội truyền thống đặc sắc của vùng đất này.
Lễ hội đền Chiêu Trung
Lễ hội đua thuyền: Diễn ra ngày 3 - 5/1 âm lịch, tại phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, ngày 2/9 dương lịch tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê.
Lễ hội chùa Hương Tích: Diễn ra ngày 6/1 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc.
Lễ rước sắc vua Hàm Nghi: Diễn ra ngày 7/1 âm lịch, tại Phú Gia, huyện Hương Khê.
Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Diễn ra vào khoảng ngày 12 - 15/1 âm lịch, tại Sơn Trung và Sơn Quang, huyện Hương Sơn.
Lễ hội đền Bà Bích Châu: Diễn ra ngày 12/2 âm lịch, tại xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh.
Lễ hội chùa Chân Tiên: Diễn ra ngày 3/3 âm lịch, tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà.
Lễ giỗ tổ Hùng Vương: Diễn ra vào ngày 8 - 10/3 âm lịch, tại Khu di tích Đại Hùng, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh.
Lễ khai trương mùa du lịch biển: Diễn ra vào tháng 4, tại các huyện có khu du lịch biển.
Lễ hội cầu ngư: Diễn ra ngày 8/4 âm lịch, tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên.
Lễ hội đánh cá Đồng Hoa: Diễn ra vào tháng 4 âm lịch, tại xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân.
Lễ hội đền Chiêu Trưng: Diễn ra ngày 1 - 3/5 âm lịch, tại xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Lễ hội Đồng Lộc: Diễn ra vào tháng 7, tại thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc.
Lễ hội đền Chợ Củi: Diễn ra ngày 10/10 âm lịch, tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân.
Làng nghề truyền thống
Làng rèn Trung Lương
Làng rèn nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, thuộc phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh. Làng có nghề rèn nổi tiếng từ bao đời nay. Theo truyền thuyết, tổ sư nghề rèn là ông Đùng. Còn theo truyền ngôn thì nghề rèn ở đây có từ đời Lý, khi mới lập làng. Từ đó đến nay, nghề rèn luôn được duy trì và phát triển không chỉ về số lượng mà chất lượng sản phẩm ngày được nâng cao và đa dạng về chủng loại, phục vụ cho nghề nông, nghề thủ công, dụng cụ sinh hoạt, vũ khí, đồ tế khí… Sản phẩm rèn Trung Lương hiện đã có mặt khắp nơi trong cả nước và được nhiều người ưa chuộng.
Làng mộc Thái Yên
Làng mộc Thái Yên ở xã Đức Bình, huyện Đức Thọ là làng nghề truyền thống có tiếng từ lâu đời. Thợ mộc Thái Yên chuyên dựng nhà cửa, đình chùa với kỹ thuật chạm khắc, trổ, tiện điêu luyện…; đồng thời, rất khéo tay làm đồ gia dụng kiểu mới như: giường, tủ, bàn, ghế… Sản phẩm hàng mộc Thái Yên nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước.
Làng mộc Thái Yên
Làng nghề Trường Xuân
Làng Trường Xuân còn gọi là Kẻ Thượng, ở sát bờ sông La, tương truyền được lập từ đời Trần. Dân cư ở đây ngoài nghề nông còn rất nổi tiếng bởi nghề đóng thuyền, nghề cào hến và nghề đan lát. Về thăm Trường Xuân, du khách nên chọn các ngày mồng 3, 13 và 23 âm lịch hàng tháng để ghé thăm phiên chợ Thượng - chợ lâu đời và nổi tiếng nhất vùng La Sơn và xứ Nghệ xưa.
Làng cá Nhượng Bạn
Huyện Cẩm Xuyên từ lâu nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống như: đan lát, làm bánh tráng, dệt vải nuôi tằm, làm nón lá... , trong đó đặc biệt hơn cả là nghề đánh
bắt chế biến hải sản truyền thống ở xã Cẩm Nhượng. Bến cá Cồn Gò thuộc xã Cẩm Nhượng (trước đây là Nhượng Bạn) có lịch sử từ hơn 600 năm. Cồn Gò là nơi trao đổi, mua bán các loại hải sản của ngư dân địa phương mỗi khi thuyền từ khơi xa về. Từ 3 - 4h sáng cả một vùng quê Cẩm Nhượng lại nhộn nhịp, tấp nập cảnh bán, người mua. Du khách đến với Hà Tĩnh nhớ ghé thăm chợ cá Cồn Gò. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống dân dã thường ngày của người dân làng chài, tận mắt xem cách chế biến hải sản, làm nước mắm và chọn mua những đặc sản của biển để về làm quà cho người thân, bạn bè.
Ẩm thực
Bưởi Phúc Trạch
Bưởi Phúc Trạch ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê từ lâu được coi là đặc sản của vùng đất đầy nắng gió này. Bưởi Phúc Trạch có dáng tròn, mọng nước, khi ăn thì vừa ngọt, vừa thanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận bưởi Phúc Trạch là cây ăn quả có múi ngon nhất Việt Nam tại cuộc thi quốc gia năm 2001. Năm 2004, bưởi Phúc Trạch được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa bưởi Phúc Trạch - Hương Khê. Năm 2006, bưởi Phúc Trạch vinh dự được chọn là một trong số ít loại quả mang đến Hội nghị APEC tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Đến tháng 11/ 2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” sản phẩm “Quả bưởi” cho 14 xã thuộc huyện Hương Khê tại Quyết định số 2180/QĐ-SHTT. Đến nay, thương hiệu bưởi Phúc Trạch đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Kẹo cu đơ
Kẹo cu đơ được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng, lạc nhân và được đổ vào hai miếng bánh tráng ép lại. Lạc được chọn loại chắc, bánh đa tráng vừa phải có rắc vừng đen, mật mía nguyên chất, không pha đường. Khi nấu pha thêm một tỷ lệ mạch nha vừa phải thì kẹo vừa giòn lại vừa thơm. Kẹo cu đơ hội đủ vị ngọt mát của mật, mạch nha, vị béo bùi của lạc, vừng, bánh đa và vị cay ấm của gừng, khi ăn nếu có nước chè xanh uống cùng thì rất tuyệt. Vị béo, ngọt, cay, chát hội đủ trong cu đơ làm nên một triết lý ẩm thực của người Hà Tĩnh. Đi xa về gần, du khách đừng quên mang loại đặc sản này về làm quà cho người thân, bạn bè.
Kẹo cu đơ
Cam Bù Hương Sơn
Là đặc sản nổi tiếng của huyện Hương Sơn, được trồng chủ yếu ở 12 xã trong huyện, gồm Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phúc, Sơn Phú, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Trường, Sơn Hàm, Sơn Quang, Sơn Diệm, Sơn Lâm, Sơn Kim. Cam bù khi chín vỏ đỏ, xốp dễ bóc
vỏ, múi cam mọng nước, ít hạt, ăn có vị ngọt, hương thơm quyến rũ, giá trị dinh dưỡng cao. Đây là cây bản địa được chọn lọc tự nhiên qua hàng trăm năm. Cam bù Hương Sơn là đặc sản mà du khách thường mang về làm quà cho người thân khi đến Hà Tĩnh.
Hồng Đông Lộ và hồng Tiến
Ở Hà Tĩnh, hồng là một thứ quả quý, vừa ngon mát, vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao. Có hai loại quý nhất là hồng Đông Lộ (Thạch Hà) và hồng Tiến (Nghi Xuân). Hồng Đông Lộ có quả hình vuông, màu xanh cam hoặc vàng, ruột màu vàng, khi chín ăn vừa ngọt, vừa thơm. Hồng Tiến Nghi Xuân (dùng để cung tiến vua ngày xưa nên gọi là hồng Tiến) khi chín có màu sẫm rất đẹp, mọng, vỏ mỏng (dân địa phương gọi là hồng trứng), ăn mềm, ngọt, mát và thơm. Cả hai loại hồng đều chín từ cuối hè cho đến hết thu. Du khách sẽ có những giây phút thú vị khi được ngồi trên chiếc chõng tre dưới tán cây hồng, nhấm nháp quả ngọt ngon, nghe những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về những quả hồng tiến vua, về những cây hồng tổ, nghe hát ca trù Cổ Đạm, hát giặm, hát ví “giận thương”…
Mực nháy Vũng Áng
Mực nháy hay còn gọi là mực nhảy, để chỉ những con mực còn rất tươi, mắt nhấp nháy, mình trong suốt, làn da còn lấp lánh những đốm lân tinh. Mùa mực nháy ở Vũng Áng thường bắt đầu từ tháng 3 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 7 âm lịch. Đến đây, du khách sẽ được thư giãn trong không gian ẩm thực thơ mộng, bồng bềnh trên những ngôi nhà nổi, đu đưa theo những chiếc võng và cùng thưởng thức món mực nháy theo nhiều cách như gỏi mực, mực hấp, mực chiên, mực xào… Mực ở đây vừa giòn, vừa ngọt lại béo ngậy, thơm phức, là món ăn mà ai cũng muốn được thưởng thức khi có dịp ghé thăm Vũng Áng.
Mực nháy Vũng Áng
Rượu Hà Tĩnh
Rượu Can Lộc, Đức Thọ là loại rượu nếp mà ai đã một lần thưởng thức đều phải nhớ mãi. Đây là loại rượu có hương vị đặc trưng riêng được chiết xuất từ 100% gạo nếp lên men với nguồn nước tinh khiết và được chưng cất theo phương pháp cổ truyền, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi nấu xong trải qua một quy trình lọc rượu để khử hết chất độc sau đó mới được đóng chai. Hiện nay, thương hiệu rượu Can Lộc, Đức Thọ đã có mặt trên toàn tỉnh và một số thành phố lớn như Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng và đang mở rộng sang một số nước. Ngoài ra, rượu sâm nhung cũng là một loại rượu đặc sản của Hà Tĩnh. Đây sẽ là món quà rất phù hợp với những ai khi đi xa làm quà biếu cho người thân, bạn bè.
Nước mắm Hà Tĩnh
Với gần 2.300 tàu thuyền đánh bắt, hàng năm cung cấp hàng trăm ngàn tấn hải sản đánh lộng nên tỉnh Hà Tĩnh có điều kiện thuận lợi để sản xuất và chế biến nước mắm. Nước mắm Hà Tĩnh giờ đây đã trở thành một trong những loại gia vị của các bà nội trợ, là món quà không thể thiếu của du khách mỗi lần có dịp về thăm vùng quê này.
Một số Tour du khách nên trải nghiệm khi đến Hà Tĩnh nội tỉnh
Tuyến du lịch thành phố Hà Tĩnh - huyện Nghi Xuân
Điểm tham quan: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (thành phố Hà Tĩnh); Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Thạch Hà); Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; chùa Hương Tích (huyện Can Lộc); chùa Hang (Hồng Lĩnh); đền Chợ Củi, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Công Trứ, Khu du lịch sinh thái Đức Đường, Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, Trang trại du lịch sinh thái Bình Mỹ; Khu du lịch biển Xuân Thành, Du thuyền Giang Đình Cổ Độ, Sân golf và trường đua chó Xuân Thành (huyện Nghi Xuân); Trung tâm thương mại Vincom, khách sạn 5 sao Vinpearl Hotel.
Thời gian tham quan: 1 - 2 ngày
Địa điểm lưu trú: thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân
Tuyến du lịch thành phố Hà Tĩnh - huyện Cẩm Xuyên - thị xã Kỳ Anh
Điểm tham quan: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (thành phố Hà Tĩnh); hồ Kẻ Gỗ, Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Khu du lịch biển Thiên Cầm, chùa Yên Lạc (Cẩm Xuyên); Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi (huyện Cẩm Xuyên); bãi biển Kỳ Xuân, đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu, cảng Vũng Áng, đèo Ngang và di tích Hoành Sơn Quan (thị xã Kỳ Anh).
Thời gian tham quan: 1 - 2 ngày
Địa điểm lưu trú: thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh
Tuyến du lịch thành phố Hà Tĩnh - thị xã Hồng Lĩnh - huyện Hương Sơn
Điểm tham quan: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (thành phố Hà Tĩnh); chùa Hang (thị xã Hồng Lĩnh); Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú, chùa Am (huyện Đức Thọ); Quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn).
Thời gian tham quan: 1 - 2 ngày
Địa điểm lưu trú: thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn)
Tuyến du lịch thành phố Hà Tĩnh - huyện Vũ Quang - huyện Hương Khê
Điểm tham quan: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (thành phố Hà Tĩnh); Vườn quốc gia Vũ Quang (huyện Vũ Quang); vườn bưởi Phúc Trạch, đền Trầm Lâm, Trung tâm phát triển Hương Bình (huyện Hương Khê).
Thời gian tham quan: 1 - 2 ngày
Địa điểm lưu trú: Hương Khê
Tuyến du lịch thành phố Hà Tĩnh - huyện Lộc Hà
Điểm tham quan: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (thành phố Hà Tĩnh); chùa
Phổ Độ, Khu du lịch biển Cửa Sót, Quảng trường và tượng đài Mai Hắc Đế, chùa Chân Tiên, Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót, công viên nước Vinpearl (huyện Lộc Hà).
Thời gian tham quan: 1 - 2 ngày
Địa điểm lưu trú: thành phố Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà
Liên tỉnh
■ Tuyến thành phố Hà Tĩnh - thành phố Vinh (Nghệ An) - Thanh Hóa - Ninh Bình - Hà Nội - các tỉnh phía Bắc
■ Tuyến thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) - Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình) - Huế (Thừa Thiên Huế) - Đà Nẵng - Hội An (Quảng Nam)
■ Tuyến thành phố Hà Tĩnh - Huế - Đà Nẵng - thành phố Hồ Chí Minh - các tỉnh phía Nam
■ Tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình
■ Tuyến thành phố Hà Tĩnh - Phố Châu - Cầu Treo - Viêng Chăn (Lào) - Thái Lan
■ Tuyến thành phố Hà Tĩnh - Kỳ Anh - Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình) - Cha Lo (Quảng Bình) - Lào - Thái Lan