Phú Thọ - mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang, vùng đất trung du miền núi nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội và là nơi hợp lưu của 3 con sông: sông Đà, sông Hồng, sông Lô. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Phú Thọ ngày nay được ví như “bảo tàng” của văn hóa dân tộc Việt với những dấu ấn đậm nét, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng gắn với thời đại Hùng Vương. Phú Thọ vinh dự mang trong mình hai di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Vùng đất này còn có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, hấp dẫn với những đặc sản nổi tiếng và người dân nồng hậu, mến khách.
Danh lam thắng cảnh
Phú Thọ là vùng đất chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng lên miền núi phía Bắc nên địa hình đa dạng, tạo cho nơi đây một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú. Đến với Phú Thọ, du khách không thể bỏ qua Vườn quốc gia Xuân Sơn với hệ thống hang động, hệ động thực vật và cảnh quan thiên nhiên phong phú; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy với mỏ nước khoáng nóng có trữ lượng lớn và khả năng chữa bệnh; đầm Ao Châu, đầm Vân Hội đẹp tựa bức tranh thủy mặc in bóng những rừng cọ đồi chè hay ao giời - suối Tiên, thác Cự Thắng non nước hữu tình…
Vườn quốc gia Xuân Sơn
Một ngày ở Vườn quốc gia Xuân Sơn có thời tiết đặc trưng của 4 mùa: buổi sáng là khí hậu trong lành của mùa xuân, buổi trưa ấm áp của mùa hè, buổi chiều mát mẻ của mùa thu, buổi tối trời se lạnh đặc trưng của mùa đông. Vườn quốc gia Xuân Sơn thuộc địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, là một trong 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, được ví là “lá phổi xanh” ở phía Tây Bắc tỉnh Phú Thọ. Đây là một trong những danh thắng nổi trội nhất của tỉnh Phú Thọ với hệ động, thực vật phong phú, những đỉnh núi cao trên 1.000m, hệ thống thác nước đẹp và quần thể hơn 30 hang động đá vôi mang các nét đặc trưng như: có sông ngầm lớn trong lòng hang sâu rộng, hệ thống thạch nhũ đẹp, các lớp thạch nhũ trong hang tạo thành hình ruộng bậc thang,... Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Xuân Sơn còn thu hút du khách bởi những phong tục tập quán dân gian với các lễ, các điệu nhảy múa, ca hát rất độc đáo của người Dao, người Mường đã cư trú lâu đời tại đây.
Vườn quốc gia Xuân Sơn - "Lá phổi xanh" của tỉnh Phú Thọ
Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy
Nằm bên bờ sông Đà trong xanh, đối diện với dãy núi Ba Vì là Khu du lịch nước khoángnóng Thanh Thủy. Đây là khu vực đắc địa sở hữu nguồn nước khoáng nóng cùng cảnh quan đẹp được coi là những tài nguyên vô giá của tự nhiên ban tặng cho Phú Thọ để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Nước khoáng Thanh Thuỷ có nhiệt độ dao động trong khoảng từ 37ºC - 54ºC thuộc loại nước khoáng ấm - nóng; trong nước khoáng có nhiều chất vi lượng như: natri,
canxi, magie, đặc biệt có hàm lượng chất radon vừa phải để tạo nên một loại nước quý hiếm rất thích hợp cho việc phục hồi sức khoẻ và chữa bệnh. Đến với Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành gần gũi với thiên nhiên, được thưởng thức các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cùng với dòng nước khoáng nóng đồng thời thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương như: măng chua, canh rau sắn, rượu cần, rượu hoẵng, dê núi đá, cá sông Đà, gà tổng Thượng…
Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh
Đảo Ngọc Xanh đúng như tên gọi của mình là một hòn đảo ngọc xanh biếc nằm ven sông Đà tại xã La Phù, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây được xây dựng dựa trên sự kết hợp những điều kiện thuận lợi nhất của thiên nhiên và khả năng sáng tạo vô tận của con người tạo nên một tổ hợp các khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp đáp ứng yêu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng, tổ chức sự kiện và mong muốn trải nghiệm của du khách với hệ thống khách sạn 3 sao và Nhà hàng Kim Cương, công viên khủng long; khu hình tượng 54 dân tộc anh em của nước Việt Nam; khu vực trò chơi công viên nước, trò chơi cảm giác mạnh, trò chơi thư giãn, giải trí và các trò chơi phục vụ cho thiếu nhi đa dạng, phong phú. Cùng với khung cảnh nên thơ và khí hậu mát mẻ, Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh sẽ mang đến những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách khi khám phá vùng đất thiên thời, địa lợi, nhân hòa này.
Khu Du lịch Đảo ngọc xanh
Ao Giời - suối Tiên
Ao Giời - Suối Tiên thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Suối Tiên bắt nguồn từ trên núi Nả, chảy qua các khe đá, hình thành dải lụa trắng bạc, vắt ngang sườn núi, nổi bật giữa màu xanh mượt mà của núi rừng. Đầu nguồn của con suối có Giếng Tiên, diện tích chừng 40m2, sâu đến hơn 10m. Từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào. Suốt chiều dài con suối có tới 14 thác nước, trong đó có một số thác cao 20m, tựa những tấm màn the trắng xoá, che các hang, hốc đá phía trong. Dưới chân các thác nước cao là những phiến đá khổng lồ, trải qua thời gian dài bị xói mòn, đã thành những chiếc ao nhỏ mà đáy ao là cả một phiến đá, làm nên vẻ đẹp riêng có ở nơi đây.
Khu du lịch vườn Vua
Khu du lịch, biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua (Vườn Vua resort & villas) tọa lạc trên khu đất gần 86ha thuộc địa bàn 3 xã: Trung Thịnh, Đồng Luận và Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, nằm giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ với thủ đô Hà Nội ngăn cách bởi sông Đà, phía sau dãy Ba Vì. Với ý tưởng kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt, với dịch vụ cao cấp và đa dạng, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo và thú vị.
Đầm Ao Châu
Đầm Ao Châu thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ được ví là “Hạ Long thu nhỏ” của du lịch Phú Thọ. Đầm Ao Châu có diện tích mặt nước khoảng 2km² và có khoảng 100 hòn đảo lớn nhỏ được bao phủ một thảm thực vật đa loài dầy đặc và phong phú cùng với 99 ngách nước đan cài vào các khe núi tạo nên một bức tranh phong thủy hữu tình. Hệ thống thảm thực vật đa dạng và phong phú, không gian bao la thoáng mát, những hòn đảo chỉ cao khoảng 30m so với mặt nước trong hồ. Đến nơi đây, du khách sẽ du thuyền khám phá các đảo và ngắm cảnh hai bên là những quả đồi với những hàng cây ăn quả lâu năm như: mít, bưởi, nhãn, khế, vải… với nhiều loại cây ăn quả ra hoa kết trái tứ mùa soi bóng xuống nước đầm trong xanh tạo nên khung cảnh bình yên nơi quê hương đất Tổ.
Đầm Ao Châu được ví như "Vịnh Hạ Long thu nhỏ" của du lịch Phú Thọ
Di tích lịch sử - Văn hóa
Phú Thọ được biết đến là cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, kinh đô đầu tiên của Việt Nam. Trên mảnh đất này còn tồn tại và lưu giữ rất nhiều tài nguyên du lịch nhân văn vô cùng phong phú gắn với thời đại các vua Hùng: hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có 967 di tích lịch sử văn hóa; 1 di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích cấp quốc gia... hệ thống di tích này tạo nên diện mạo văn hóa của vùng đất tổ, là nguồn lực vô cùng quý giá đóng vai trò giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân trong tỉnh nói riêng và đồng bào cả nước nói chung.
Đền Hùng
Khu Di tích lịch sử đền Hùng được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2009. Đây vừa là một Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam (nơi thờ tự các vua Hùng - tổ tiên của dân tộc Việt Nam) vừa là một thắng cảnh đẹp của tỉnh Phú Thọ. Khu di tích là một quần thể bao gồm 6 ngôi đền, 1 lăng, 1 ngôi chùa và một số hạng mục kiến trúc khác được xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của quần thể núi Hùng.
Cổng đền: Cổng đền được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (năm 1917) theo kiểu vòm cuốn, tại cổng có đề bức đại tự “Cao Sơn cảnh hành”.
Đền Hạ: Đền được xây dựng lại trên nền móng cũ vào thế kỷ thứ 17. Tương truyền, nơi đây Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc 100 trứng, sau nở thành 100 người con trai, là nguồn gốc của cộng đồng người Việt.
Chùa Thiên Quang: Chùa được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ 13 - 14) có tên gọi là “Viễn Sơn Cổ Tự”. Đến thế kỷ 15 được đổi tên là “Thiên Quang Thiền Tự”. Chùa có kiến trúc kiểu chữ công gồm ba tòa là tiền đường, thiêu hương, tam bảo; chùa thờ Phật theo dòng Đại thừa.
Đền Trung (Hùng Vương tổ miếu): Ngôi đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ nhất, có ba gian quay về hướng Nam. Tương truyền, đây là nơi vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng họp bàn việc nước và cũng là nơi vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời, đất.
Đền Thượng: Đền Thượng hay còn gọi là “Kính thiên lĩnh điện” (điện thờ trên núi Nghĩa Lĩnh), là nơi vua Hùng tiến hành nghi lễ tín ngưỡng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Thế kỷ thứ 15, đền Thượng được xây dựng lại theo kiến trúc chữ Vương như ngày nay. Tại khu vực đền Thượng còn có “Cột đá thề” tương truyền do Thục Phán dựng lên sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền lại ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà vua Hùng trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Hùng.
Lăng Hùng Vương: Lăng nằm ở phía Đông đền Thượng. Lăng Hùng Vương có vị trí đầu gối sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Tương truyền, đây là mộ của vua Hùng thứ 6. Xưa kia có thể là mộ đất, đến thời Tự Đức (năm 1870) cho xây mộ, dựng lăng; đến thời Khải Định (năm 1922) trùng tu lại. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái.
Đền Giếng: Đền được xây dựng vào thế kỷ 18, kiến trúc kiểu chữ công. Trong đền hiện nay vẫn còn giếng Ngọc, tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa, trị thủy nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Tại đây, ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và căn dặn các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội: "… Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…"
Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân: Đền nằm trong quần thể khu di tích lịch sử đền Hùng, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân tọa lạc trên núi Sim, cách núi Nghĩa Lĩnh về phía Nam khoảng 1km. Đây là công trình kiến trúc chữ đinh, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch bát, sơn son thếp vàng trên các thức kiến trúc gỗ. Trong đền có đặt tượng Đức Quốc tổ Lạc Long Quân được đúc bằng đồng tư thế ngồi trên ngai.
Đền thờ tổ Mẫu Âu Cơ: Đền được xây dựng trên núi Vặn cao 171m so với mặt biển, là ngọn núi cao thứ hai trong quần thể núi Hùng đúng với sự tích mẹ lên non, cha xuống biển. Trong đền có tượng Mẫu và hai tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng với trọng lượng khoảng 2 tấn.Từ khu vực đền du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thành phố Việt Trì, xa xa là 3 dải sông Hồng, sông Lô, sông Đà uốn lượn như những con rồng ôm ấp chân núi mẹ.
Ngoài quần thể kiến trúc cổ kính, nghệ thuật tinh xảo, Khu di tích lịch sử Đền Hùng còn có một hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú, có giá trị về mặt đa dạng sinh học với nhiều loài quý hiếm, có giá trị khoa học.
Cổng đền Hùng
Đền mẫu Âu Cơ
Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) thờ Mẫu Âu Cơ là một Di tích lịch sử văn hóa đã tồn tại hơn 5 thế kỷ. Đền 3 lần được các triều đại phong kiến Việt Nam công nhận là đền quốc tế và được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 1991. Công trình được xây dựng hướng chính Nam, kiến trúc chữ Đinh với nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên các đầu dư, đầu bảy, xà ngang, cốn nách, câu đầu, cửa võng được đục chạm hết sức công phu. Thượng cung cao 2,2m là nơi đặt khám thờ Mẫu, diềm xung quanh cửa khám chạm thủng nhiều lớp theo đề tài tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Trong lòng khám đặt tượng Mẫu Âu Cơ ngồi trên ngai mặc áo đỏ đầu đội mũ lấp lánh kim cương, cổ đeo vòng vàng, bàn chân đi hài. Tượng được tạc vào thời Lê, có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình và thẩm mỹ. Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hóa đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Hình tượng mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng nước Việt trong một bọc trăm trứng đã trở thành hình tượng bất hủ sống mãi trong tư tưởng tình cảm và tâm trí của các thế hệ người Việt Nam.
Di tích lịch sử quốc gia Đền Mẫu Âu Cơ
Đền Tam Giang - chùa Đại Bi
Tọa lạc trên địa thế đắc đạo ngã ba sông thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, cụm di tích đền Tam Giang - chùa Đại Bi là một quần thể kiến trúc đẹp có giá trị nghệ thuật; Đây là cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất, gồm có: đền Tam Giang, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, bến bơi chải, tượng đài Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật và bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam… Cụm di tích đền Tam Giang - chùa Đại Bi là một trong những Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia được nhiều khách thập phương trong và ngoài tỉnh thường xuyên viếng thăm, xứng đáng là điểm dừng chân đầu tiên của hành trình du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt.
Đình Hùng Lô
Đình Hùng Lô được biết đến như là một bảo tàng nghệ thuật, một quần thể kiến trúc còn khá nguyên vẹn, gồm: đại môn, miếu, đình, chùa, văn chỉ, long đình, lầu chuông, lầu trống… được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Chính Hoà thứ 18, năm Đinh Sửu (năm 1697). Một bộ sưu tập quý giá phải kể đến ở đình Hùng Lô đó là 5 cỗ kiệu với 1 kiệu bát cống và 4 kiệu văn có giá trị nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Hậu Lê. Hùng Lô là làng nổi tiếng về truyền thống trong Lễ hội rước kiệu về đền Hùng từ xưa đến nay. Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa, kiến trúc, quần thể di tích đình Hùng Lô đã được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990.
Miếu Lãi Lèn
Miếu Lãi Lèn là một ngôi miếu cổ ở làng Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì. Theo truyền thuyết thì miếu Lãi Lèn là nơi vua Hùng truyền dạy điệu hát xoan cho thôn dân. Các họ xoan coi ngôi miếu này là nơi phát tích của hát xoan. Vì vậy hát xoan còn có tên gọi khác là hát Lãi Lèn. Miếu Lãi Lèn là sự tổng hòa tương đối của một di tích vừa liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đồng thời cũng là di tích liên quan đến nguồn gốc ra đời của một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - nghi lễ hát thờ, hát xoan Phú Thọ. Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, ngôi miếu cổ đã bị đổ nát. Năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã quyết định khôi phục miếu Lãi Lèn trên nền móng cũ với tổng diện tích gần 3.000m2, tạo cho nơi đây trở thành một điểm đến tham quan cho khách du lịch và thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là hát xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Đền Lăng Sương
Theo Ngọc phả, đền Lăng Sương còn có tên là đền Thánh Mẫu có từ thời Thục An Dương Vương và được chính thức khởi dựng từ thời Tiền Lê (981 - 1009), thờ thân mẫu của Thánh Tản Viên (Sơn Tinh). Thánh Tản Viên là con rể vua Hùng thứ 18, gắn liền với truyền thuyết vua Hùng kén rể tìm hiền tài truyền ngôi báu, dẫn đến cuộc đọ sức quyết liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Thánh Tản Viên có công trị thủy, cứu dân, giúp nước được coi là vị thần “Thượng đẳng tối linh” đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt. Ngoài trị thủy, Tản Viên còn giúp Hùng Duệ Vương hai lần đánh thắng quân Thục; với công đức trên, nhân dân tôn kính lập đền thờ tại động Lăng Sương nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Đền Lăng Sương bao gồm nhiều công trình, kiến trúc độc đáo, là một quần thể di tích có liên quan chặt chẽ với nhau và có mối quan hệ mật thiết với Khu di tích lịch sử đền Hùng. Đền Lăng Sương được công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc năm 2005.
Lễ hội Phú Thọ
Phú Thọ vừa là đất tổ, vừa là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, kinh đô đầu tiên của Việt Nam. Với dòng chảy văn hóa cội nguồn, Phú Thọ chứa đựng đậm đặc hệ thống di tích và lễ hội, với 369 lễ hội, trong đó có 223 lễ hội dân gian mang nét văn hóa đặc vùng đất tổ, 21 lễ hội lịch sử cách mạng kháng chiến, 111 lễ hội tôn giáo và 4 lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch.
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng
"Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba"
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng bắt nguồn từ thời đại Hùng Vương dựng nước và được tổ chức hằng năm tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng. Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng đã trở thành lễ hội mang tính văn hóa tâm linh lớn nhất ở nước ta; là động lực tinh thần của dân tộc và mang ý nghĩa tâm linh đã trở thành nếp nghĩ, nét văn hóa truyền thống không thể thiếu của người Việt. Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành với nghi thức trang nghiêm, trọng thể tại đền Thượng; phần hội được diễn ra với nhiều hoạt động phong phú mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc dưới chân núi Hùng. Các hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian được tổ chức tại lễ hội như đấu vật, bắn nỏ, rước kiệu, hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, thi kéo lửa thổi cơm, trò diễn “Bách nghệ khôi hài” và Trò Trám của làng Tứ Xã, rước lúa thần… Ngoài ra, còn có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp như chèo, kịch nói, hát quan họ, hát xoan cùng hội diễn văn nghệ quần chúng phục vụ đồng bào về dự hội.
Lễ hội Đền Hùng - Lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất nước ta
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng giêng tại làng Hiền Lương, xã Hiền Lương hằng năm. Đây là lễ hội có giá trị lịch sử sâu sắc, phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng. Sau nghi thức tế lễ ở đình Đức Ông là lễ rước kiệu từ đình về đền Mẫu Âu Cơ. Đúng giờ thìn đoàn rước về đến sân đền Mẫu. Lễ vật gồm 100 cầu bánh dằng, 100 phẩm bánh chè kho, 100 chiếc bánh ngọt, hoa quả, đăng, hương, trầu, rượu... Sau lễ dâng hương và lễ vật là tổ chức tế. Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ là một điểm nhấn quan trọng trên dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân ta; là môi trường giáo dục sâu sắc và hết sức hiệu quả về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Năm 2017, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ở đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương huyện Hạ Hòa đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Trò Trám
Cứ mỗi độ xuân về vào ngày 11, 12 tháng giêng âm lịch, du khách lại đổ về phường Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao tham gia Lễ hội Trò Trám, hay còn gọi là “linh tinh tình phộc”. Lễ hội Trò Trám là biểu hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước cầu mong cho mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Tâm điểm của Lễ hội Trò Trám là lễ mật diễn ra đúng 0 giờ đêm 11 rạng ngày 12 tháng giêng. Sau khi các bậc cao niên làm lễ tế miếu, đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt, cụ chủ tế hô “linh tinh tình phộc”, hai nhân vật chính: nam cởi trần, đóng khố cầm nõ - tượng trưng cho sinh thực khí nam; nữ mặc váy, đeo yếm đào cầm nường - tượng trưng cho sinh thực khí nữ làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao. Trong đêm tối, chủ tế nghe “cạch” đủ ba tiếng đèn sáng lại. Phút ấy gọi là phút “thiêng”, “dập” chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết “lễ mật” đã thành công. Sau lễ mật, sáng ngày 12 tháng giêng là lễ “rước lúa thần” cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi… Lễ hội “linh tinh tình phộc” chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo của cư dân người Việt Cổ thể hiện sự tôn vinh sức sống của con người, những nét văn hóa đó đã và đang thu hút đông đảo du khách đến tham dự.
Lễ hội Trò Trám
Lễ hội bơi chải Bạch Hạc
Hằng năm, trong dịp giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng, Lễ hội bơi chải Bạch Hạc được tổ chức vào ngày mồng 9/3 âm lịch tại cụm di tích quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi và thắng cảnh ngã ba sông Bạch Hạc. Lễ hội được tổ chức nhằm nhắc lại tích thần Thổ Lệnh tiễn đưa Tản Viên khi ngài đến thăm Bạch Hạc trở về; đồng thời ôn lại tinh thần luyện quân hừng hực khí thế của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày: ngày đầu bơi dạo để kiểm tra chải; ngày thứ hai các giáp đưa kiệu xuống chải bơi ra sông Hồng đón các thần về; ngày thứ ba bơi chính để đọ sức giữa các giáp. Hòa cùng với những nhịp chải của từng giáp là những tiếng hò reo, cổ vũ nhiệt tình cho các đội của du khách thập phương và nhân dân trong vùng tạo bầu không khí náo nhiệt cả một vùng sông nước. Lễ hội bơi chải Bạch Hạc ngày nay đã được mở rộng ra các đơn vị xã, phường trong tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận, thu hút được hàng vạn đồng bào và du khách về tham dự, tạo điểm nhấn hấp dẫn trong ngày hội vùng đất tổ.
Lễ hội bơi chải Bạch Hạc
Làng nghề truyền thống
Phú Thọ được biết đến là tỉnh tập trung nhiều làng nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời với những sản phẩm có tính độc đáo, chứa đựng hồn cốt của dân tộc và sắc màu văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương.
Làng nghề nón lá Sai Nga, Gia Thanh
Phú Thọ có 2 làng nghề làm nón nhiều và nổi tiếng nhất đó là làng nón Sai Nga (Cẩm Khê) và làng nón Gia Thanh (Phù Ninh). Để làm ra một chiếc nón phải trải qua rất nhiều công đoạn như: làm vành, là lá, quay khâu, nức, nhôi, sấy... Sau khi người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm sinh làm cho màu nón trở nên trắng muốt và không bị mốc. Giữa hai lớp lá mỏng, người ta gài vào lòng nón những hình trổ như hình hoa lá, đôi nét kiến trúc cổ kính.
Làng nghề nón lá Sai Nga
Làng nghề tương Bợ (Thanh Thủy), tương Dục Mỹ (Lâm Thao)
Tương là một trong những món ăn truyền thống của người dân đất tổ, trong các làng nghề làm tương, Phú Thọ nổi tiếng nhất là tương Bợ (Thanh Thủy) và tương Dục Mỹ (Lâm Thao). Nếu như tương Dục Mỹ có vị ngọt dịu sắc vàng sánh thì tương làng Bợ lại ngọt đậm đà, thanh sạch, tinh khiết. Khi về với Phú Thọ, du khách sẽ được tham quan quy trình sản xuất và mua những chai tương thơm bùi về thưởng thức và làm quà cho người thân.
Làng nghề sản xuất ủ ấm Sơn Vi
Nghề ủ ấm đã tồn tại ở Sơn Vi hơn 100 năm nay. Với bàn tay khéo léo của mình, người Sơn Vi đã tạo ra loại ủ ấm có dáng vẻ độc đáo riêng. Ủ ấm Sơn Vi được chấp ghép bằng cả ngàn chiếc nan nhỏ như que đan bằng sơn gắn vào mà thành. Sơn Vi là đồ dùng bền, đẹp, giữ nhiệt tốt, làm đậm đà cho những ấm nước chè xanh, lá vối, nhân trần... trong suốt bốn mùa xuân, hạ, thu; đông đồng thời cũng là một mặt hàng lưu niệm cho du khách khi về với vùng đất tổ.
Ẩm thực
Bánh chưng, bánh giầy
Ở Phú Thọ, khi nói đến bánh chưng, bánh giầy hai địa danh được nhắc đến nhiều nhất là xã Cát Trù (huyện Cẩm Khê) và làng Mộ Chu Hạ (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì). Đây là những địa phương thường được chọn làm bánh chưng, bánh giầy dâng lên vua Hùng dịp giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng.
Cá lăng Việt Trì
Việt Trì là nơi khởi nguồn của nhiều món cá ngon khác nhau: cá Anh Vũ (một loài cá tiến vua), cá Quất… nhưng cá lăng vẫn là loại ngon và phổ biến hơn cả. Cá lăng là loại cá da trơn nước ngọt có giá trị cao về dinh dưỡng, thịt cá săn chắc, ăn có vị ngọt, thơm và không có mùi tanh như các loại cá khác.
Gà nhiều cựa
Gà nhiều cựa có thân hình mảnh dẻ, mang dáng dấp gà rừng. Gà nhiều cựa không chỉ quý về vẻ đẹp sự hoang dã, có tiếng gáy vang còn thể hiện sức mạnh và quy tụ khối đoàn kết trong đàn; luôn đem sự may mắn đến cho mọi người. Ngày nay, giống gà nhiều cựa được coi gà quý không chỉ người dân xã Xuân Sơn nâng niu mà thu hút được đông đảo du khách từ các vùng miền khác đến chiêm ngưỡng. Gà thường được hấp lá chanh hoặc ướp mật ong rừng và một số loại lá cây gia vị tẩm ướp rồi nướng trong bếp than đỏ, khi thưởng thức mang lại cho chúng ta một hương vị thơm ngon tuyệt hảo đặc trưng của núi rừng.
Bưởi Đoan Hùng
Ở Đoan Hùng, bưởi của xã Chí Đám và Bằng Luân là ngon nhất. Bưởi có quả hình cầu dẹt, quả chưa đầy 1kg, lúc chín có màu vàng sáng, vỏ hơi héo, cùi mỏng, múi ráo, các tép bưởi mọng nước, màu trắng ngà. Bưởi Đoan Hùng vào mùa thu hoạch là khoảng tháng 8 âm lịch (rằm Trung thu). Bưởi lâu năm càng để càng ngon, ngọt hơn so với lúc mới thu hoạch. Bưởi Đoan Hùng là một đặc sản rất phù hợp để làm quà tặng, nhất là đối với những người con của quê hương Phú Thọ nói chung và Đoan Hùng nói riêng.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng, du lịch Phú Thọ sẽ có những bước phát triển mới để từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và Phú Thọ sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.