Tây Ninh là tỉnh biên giới thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm ở vị trí tiếp giáp giữa vùng núi cao nguyên Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Tây Ninh là một địa bàn chiến lược về kinh tế, quốc phòng, là căn cứ địa của cách mạng miền Nam. Vùng đất một thời “gian lao mà anh dũng” này, ngày nay đã trở thành địa chỉ hấp dẫn trên bản đồ Du lịch Việt Nam.
Nói đến Tây Ninh, du khách thường nhớ đến núi Bà Đen - ngọn núi cao nhất Nam Bộ, đến Tòa thánh - cơ sở thờ tự lớn nhất của đạo Cao Đài, hồ Dầu Tiếng - công trình thủy nông lớn nhất cả nước… Những năm sau này, Tây Ninh còn được biết đến như một địa chỉ hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan và mua sắm tại các siêu thị miễn thuế thuộc khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Hơn nữa, người dân Tây Ninh hiền, hiếu khách, trọng nghĩa tình cũng là nét đẹp, níu chân du khách. Đây là những điều kiện để Tây Ninh phát triển đa dạng các loại hình du lịch: tâm linh, về nguồn, thương mại, sinh thái, nghỉ dưỡng…
Danh lam thắng cảnh
Về với Tây Ninh là trở về với núi rừng bao la rộng lớn. Đến đây, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi được “săn mây” trên đỉnh núi Bà, chiêm ngưỡng hồ Dầu Tiếng - “biển hồ” của vùng đất Tây Ninh, hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên kỳ thú với không gian thơ mộng của Khu du lịch Ma Thiên Lãnh hay đơn giản lặng mình nghe tiếng nhạc trầm bổng bên Tòa thánh Cao Đài.
Hồ Dầu Tiếng
Hồ Dầu Tiếng nằm ở phía Đông tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh khoảng 25km là công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Hồ có sức chứa 1,5 tỷ mét khối nước, tưới tiêu cho tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh giá trị về kinh tế, hồ Dầu Tiếng còn được biết đến là “Biển hồ” của Tây Ninh với diện tích mặt nước là 27.000ha thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Trong hồ có nhiều đảo và bán đảo được phủ xanh bởi cây rừng, nổi bật là đảo Nhím. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức đặc sản cá lăng. Với phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ cùng vị trí tuyệt đẹp, nơi đây là điểm đến du lịch sinh Hồ Dầu Tiếng thái hấp dẫn du khách.
Hồ Dầu Tiếng - Công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất Việt Nam
Khu du lịch sinh thái Ma Thiên Lãnh
Thung lũng Ma Thiên Lãnh nằm tiếp giáp giữa 3 ngọn núi: núi Bà, núi Phụng và núi Heo (nằm trong quần thể núi Bà Đen, thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh). Nằm ở độ cao trên 50m giữa đồng bằng rộng lớn, Ma Thiên Lãnh là một quần thể địa danh được kiến tạo bởi hang Ông Hổ, suối Vàng, hầm Đá… Cảnh đẹp hoang sơ, thơ mộng đã khiến cho nơi đây được ví như thiên đường nơi hạ giới hay “Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ”. Đường lên khu vực Ma Thiên Lãnh quanh co uốn lượn, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu, cây rừng xanh mướt. Địa thế đó tạo cho thung lũng Ma Thiên Lãnh khí hậu mát mẻ, trong lành cùng với dòng suối Vàng mát lạnh chảy từ trên núi xuống và cây cối quanh năm xanh tươi. Với khung cảnh núi rừng hùng vĩ và thơ mộng, nơi đây là một địa điểm du lịch sinh thái và dã ngoại lý tưởng.
Khu du lịch Long Điền Sơn
Nằm cách thị xã Tây Ninh 5km, Khu du lịch sinh thái Long Điền Sơn đang trở thành điểm đến hút khách với phong cảnh hữu tình, đậm nét truyền thống và bản sắc văn hóa Việt… Hai bên lối vào khu du lịch là tượng 12 con giáp. Trên dãy phân cách lối đi, có đặt tượng 2 con rồng nằm phun nước tạo ra không gian dịu mát giữa cái nắng của vùng đất này. Khuôn viên Long Điền Sơn rộng khoảng 27ha với nhiều sản phẩm du lịch phong phú phục vụ du khách cả ngày lẫn đêm. Du khách có thể đến đây vui chơi thưởng ngoạn vào nhiều thời điểm khác nhau. Nhiều người thích đến đây vào lúc hoàng hôn và chơi tới khuya. Khi đó, thời tiết đã dịu mát, cả khu vực được dát lên những ánh đèn đầy màu sắc, tạo cho Long Điền Sơn một không gian lung linh, huyền ảo.
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, cách thành phố Tây Ninh 55km nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Với hệ sinh thái chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, đây là nơi bảo tồn nhiều cây gỗ, cây thuốc, chim, thú, cá quý hiếm, tiêu biểu là trắc, cẩm lai, bách bệnh trút, sếu đầu đỏ... Với những cánh rừng, thảm cỏ rực rỡ muôn sắc hoa, sông hồ thơ mộng và những di tích lịch sử quý giá, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát trở thành nơi tham quan, nghiên cứu và là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách gần xa.
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài
Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam, trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài không chỉ là cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh trong việc phát triển giao lưu thương mại, du lịch với Campuchia mà còn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế hướng ngoại. Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài có lợi thế đặc biệt vì nằm trên đường Xuyên Á (con đường bắt đầu từ Myanmar, qua Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và kết thúc ở Quảng Tây, Trung Quốc). Theo con đường này, Mộc Bài chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh 70km và thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia 170km.
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Tây Ninh là một trong số ít các tỉnh phía Nam có số lượng di tích lịch sử - văn hóa “đồ sộ” với gần 500 di tích đã được kiểm kê. Trong số đó, có 83 di tích đã được xếp hạng bao gồm: 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam), 25 di tích cấp quốc gia và 57 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam - Campuchia, cách thị xã Tây Ninh khoảng 60km. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là căn cứ của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong thời gian dài. Khu di tích gồm 3 phân khu: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Với những giá trị đặc biệt, ngày 10/5/2012, Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương cục miền Nam đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg).
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời
Thuộc ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Bời Lời là trung tâm đầu mối vào căn cứ Bắc Tây Ninh qua các cuộc kháng chiến. Đây còn là một phần của khu “Tam giác sắt” nổi tiếng trong chiến tranh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 02/1999/QĐ-BVHTT ngày 26/1/1999.
Di tích Căn cứ Ban an ninh Trung ương cục miền Nam
Di tích Căn cứ Ban an ninh Trung ương cục miền Nam thuộc ấp Bảy Bàu, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách thành phố Tây Ninh khoảng 50km về hướng Bắc. Suốt 15 năm chiến đấu, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng gian bảo mật, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Ngày 23/12/1995, Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia tại Quyết định số 3777/QĐ-BT.
Tòa thánh Cao Đài
Tòa thánh Cao Đài khánh thành năm 1955, trên khuôn viên rộng 1km2, tọa lạc tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh 4km về phía Đông Nam. Đây là cụm công trình kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo nổi tiếng của đạo Cao Đài và là trị sở Trung ương của Giáo hội Cao Đài Tây Ninh. Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh là nơi thờ Thiên Nhãn - biểu tượng thiêng liêng của đạo Cao Ðài. Tòa thánh có 12 cổng, các cổng đều được chạm khắc hình tứ linh (long, lân, quy, phụng) và hoa sen. Trong đó, chánh môn là cửa lớn nhất với cách trang trí khác biệt mang hình lưỡng long tranh châu, hoa sen cùng 3 cổ pháp. Với chiều dài 97,5m, chiều rộng 22m, tòa thánh mang những đặc trưng tiêu biểu cho kiến trúc đền, chùa của tôn giáo Cao Đài, thể hiện sự hài hòa giữa mỹ thuật Á Đông và phương Tây. Trong khuôn viên tòa thánh có nhiều công trình kiến trúc như: Cửu trùng đài, Hạnh đường (nơi hội họp và mở khóa huấn luyện tu sĩ), Giáo tông đường, Hộ pháp đường, Nữ đầu sư đường, nhà làm việc của cơ quan Hiệp Thiên Đài, bệnh viện, trường học, các xưởng thợ...
Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bà Đen
Quần thể danh thắng núi Bà Đen trải rộng trên diện tích 24km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen. Với độ cao 986m, nhìn từ xa, núi Bà Ðen như một chiếc nón úp trên đồng bằng. Nằm rải rác từ chân núi lên đến đỉnh núi Bà Đen là một quần thể kiến trúc gồm chùa Phật với tượng Phật nhập Niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn An Phước tự), chùa Hạ, chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự), chùa Vân Sơn. Đan xen với hệ thống chùa là rất nhiều hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như: động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà, hang Gió... Dưới chân núi là Khu du lịch văn hóa núi Bà với nhiều khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ. Do giữ một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1947 - 1975), núi Bà Đen đã từng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện, nơi đây có 3 địa điểm trưng bày một số hiện vật và hình ảnh về các cán bộ, chiến sĩ quân Giải phóng, đó là động Kim Quang, khu chùa Hang và bảo tàng dưới chân núi. Ngày 21/01/1989, núi Bà Đen đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia.
Di tích Lịch sử và Danh thắng quốc gia núi Bà Đen
Làng nghề truyền thống
Tây Ninh có hệ thống làng nghề truyền thống phong phú, đa dạng nổi tiếng trong cả nước như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, muối ớt, nghề mộc, chằm nón lá, se nhang, hàng thủ công mỹ nghệ mây, tre…
Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
“Bánh tráng phơi sương” là đặc sản làm ra từ tài trí sáng tạo và bàn tay lao động cần cù của người dân Tây Ninh, trở thành niềm tự hào của riêng người dân xứ Trảng Bàng. Kỹ thuật tráng bánh 2 lớp, ngày “tắm” nắng, đêm phơi sương, nướng than hoa được truyền từ đời này qua đời khác, tạo nên hương vị riêng của đồng quê Nam Bộ. Năm 2015, làng nghề bánh tráng phơi sương huyện Trảng Bàng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề làm bánh tráng Trảng Bàng
Làng nghề mây tre đan
Trên vùng đất Long Thành Trung và Long Thành Bắc của huyện Hòa Thành, làng nghề mây tre đan đã tồn tại và phát triển hơn 40 năm. Với kinh nghiệm lâu năm, người dân nơi đây có thể tạo ra các sản phẩm từ mây, tre, nứa bền, đẹp theo nhiều mẫu mã khác nhau, được khách hàng ưa chuộng, tiêu biểu như: bàn ghế, tủ, kệ, salon, nhà lều…
Nghề làm mộc
Huyện Hòa Thành và Trảng Bàng là hai địa phương rất nổi tiếng về các sản phẩm đồ gỗ, nhiều sản phẩm cao cấp được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm mộc trên địa bàn tỉnh chủ yếu là: giường, bàn ghế, tủ thờ, kệ sách... Với những thuận lợi về nguồn nguyên liệu và tay nghề người thợ được nâng cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn sẽ đảm bảo cho nghề mộc của tỉnh Tây Ninh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nghề chằm nón lá
Nghề chằm nón lá ở Tây Ninh đã xuất hiện khá lâu đời. Ngày nay, có nhiều nơi sản xuất nón lá được gọi là “xóm nón lá” như ở ấp An Phú, An Hòa (huyện Trảng Bàng), phường Ninh Sơn (thành phố Tây Ninh). Người dân Tây Ninh chọn loại lá mật cật là nguyên liệu chính để làm nón. Đây là loại nón thông dụng dành cho người lao động và được sản xuất đại trà để bán, gọi là “nón hàng”, loại nón này khi gặp mưa vẫn thẳng, không bị dúm lại như các loại nón khác. Bên cạnh đó, người dân nơi đây còn sản xuất được các loại nón nổi tiếng trên cả nước như: nón Bài Thơ, nón Bình Định…
Lễ hội Tây Ninh
Không chỉ nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng cùng nhiều di tích lịch sử, Tây Ninh còn hấp dẫn du khách trong nước cũng như quốc tế bởi các lễ hội truyền thống. Nếu đến Tây Ninh, du khách nhớ ghé thăm các lễ hội nơi đây để hiểu hơn về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc cư trú trên vùng đất này.
Lễ hội của đạo Cao Đài Tây Ninh
Lễ hội của đạo Cao Đài ở Tây Ninh không đơn thuần là một dấu ấn của một tôn giáo, mà đó còn là dịp để các tín đồ trong đạo tập hợp lại, cùng nhau sinh hoạt, hướng đến điều thiện và tích góp công đức cho tương lai. Hằng năm, đạo Cao Đài ở Tây Ninh tổ chức nhiều ngày lễ trong đó 2 lễ lớn nhất là Lễ Vía Đức Chí Tôn (diễn ra vào ngày mùng 8 tháng giêng) và Hội Yến Diêu Trì Cung (diễn ra vào rằm tháng 8). Bên cạnh những nghi thức dâng hương, cúng lễ, đọc kinh theo nghi thức của đạo Cao Đài, trong những ngày lễ lớn tại đây còn diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật, múa hát, đưa rước như: cộ tiên, múa rồng nhang, lân mã, nghệ thuật múa tứ linh (long, lân, quy, phụng),… Những ngày lễ trọng đại này không chỉ quy tụ tín đồ đạo Cao Đài và người dân Tây Ninh, mà còn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về dự lễ.
Lễ hội đạo Cao Đài Tây Ninh
Lễ hội Kỳ Yên đình Gia Lộc huyện Trảng Bàng
Lễ hội Kỳ Yên được tổ chức tại đình Gia Lộc vào các ngày 14, 15, 16/3 âm lịch hằng năm với mục đích cầu cho quốc thái dân an. Lễ hội Kỳ Yên là ngày hội lớn của người dân quanh vùng, là dịp giao lưu văn hóa cổ truyền của cộng đồng, ôn lại lịch sử bằng các loại hình sinh hoạt văn hóa như bàn việc làng, việc nước, cúng cầu nguyện cho mùa màng tươi tốt, dân làng được bình an, làm ăn thịnh vượng. Lễ hội Kỳ Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội núi Bà Đen
Là một trong những lễ hội truyền thống đầu năm nổi tiếng ở Việt Nam, Lễ hội xuân núi Bà Đen tại tỉnh Tây Ninh luôn là điểm đến của du khách mỗi khi tết đến xuân về. Du khách đến hành hương tại núi Bà Đen không những được tham gia vào những hoạt động sôi nổi của lễ hội, mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và uy nghiêm của núi Bà Đen. Trong dịp này, người hành hương về núi Bà thường xin những gói lộc (bên trong đựng một nhúm gạo hoặc hoa quả nhỏ xinh) để cầu may.
Hội xuân núi Bà Đen
Ẩm thực
Bánh canh Trảng Bàng
Bánh canh Trảng Bàng đã trở thành một sản phẩm du lịch, một món ngon thuộc đối với khách du lịch khi đến tham quan tại Tây Ninh. Để có một tô bánh canh ngon thì phải dùng gạo Nàng Thơm chợ Đào để sợi bánh canh vừa dai vừa thơm. Gạo phải được ngâm thật kỹ trong khoảng thời gian nhất định để đảm bảo độ mềm. Để tạo được những sợi bánh canh trắng ngần, dai thì phải đem đi hấp cho chín. Khi ăn chan với nước lèo luộc thịt,… Món ăn tuy đơn giản nhưng hấp dẫn bao tâm hồn thực khách khi đến vùng đất này.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
Ấn tượng nhất của món ăn này là đi kèm với cả chục loại rau rất đa dạng như: lá cóc, đọt sộp, lá lụa, diếp cá, tía tô, lá bứa, húng quế... Thịt để cuốn bánh tráng là thịt đùi, thịt chân giò vừa có bì, có mỡ, phần nạc ăn ngon. Cắn một cuốn bánh tráng phơi sương, cảm nhận đủ hương vị chua, cay, đắng, chát của rau, của đồ chua và vị thơm, ngon, béo, ngọt, mặn mà của thịt, của lớp bánh tráng, du khách sẽ hiểu tại sao một món ăn đơn giản như vậy lại trở thành đặc sản nổi tiếng.
Đậm đà bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
Cá lăng hồ Dầu Tiếng
Do sống trong môi trường tự nhiên nên thịt cá lăng hồ Dầu Tiếng vừa dai, vừa thơm ngon đặc biệt. Được chế biến hợp khẩu vị, các món cá lăng sẽ làm hài lòng mọi thực khách sành ăn. Cá lăng được chế biến thành nhiều món ngon như: cá lăng nướng muối ớt, nướng sả, nướng sa tế, nấu măng chua, kho tộ, kho khóm.
Có thể nói, Du lịch Tây Ninh đang từng bước dịch chuyển để một ngày không xa, ngành công nghiệp không khói sẽ vươn mình, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo việc làm, nâng cao chất lượng sống của người dân Tây Ninh.