Thừa Thiên Huế - Kinh đô xưa, trải nghiệm mới

Nằm ở khúc ruột miền Trung, từ dải đất sông Ô Lâu đến đèo Hải Vân, Huế là kinh đô cuối cùng của các triều đại quân chủ Việt Nam. Cố đô Huế là nơi duy nhất còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của cả dân tộc. Trong đôi mắt của người yêu cái đẹp, Huế hiện lên thật thơ mộng với chiếc nón bài thơ, bóng ai thấp thoáng tà áo dài, sông Hương, núi Ngự hiền hòa, những câu hát “nam ai nam bằng” gợi nhớ thương… Đây là những điều kiện thuận lợi để Thừa Thiên Huế phát triển du lịch nhanh, bền vững, khẳng định thương hiệu trên con đường hội nhập sâu rộng với thị trường du lịch quốc tế.

Đại nội Huế về đêm

Danh lam thắng cảnh

Sông Hương

"Đi đâu cũng nhớ quê mình/ Nhớ sông Hương gió mát, nhớ Ngự Bình trăng treo". Sông Hương uốn lượn quanh co giữa núi rừng trùng điệp, đồi cây, mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông chầm chậm lướt qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời. Trên dòng sông Hương, những con thuyền Huế xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò trầm tư, sâu lắng đã trở thành nét chấm phá cho du lịch xứ Huế. Dạo chơi trên thuyền để được ngắm cảnh Hương giang thơ mộng, nghe những điệu hò, dân ca xứ Huế lúc trời đêm thanh vắng là thú vui muôn thuở của bao du khách...

Núi Ngự Bình

Núi Ngự Bình (còn gọi là Bằng Sơn) cao 105m, dáng cân đối uy nghi. Hai bên Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Vương triều Nguyễn khi xây dựng kinh thành Huế đã chọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố và đổi tên cho ngọn núi này là Ngự Bình. Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hóa, quyện vào nhau tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương - núi Ngự, miền Hương Ngự.

Sông Hương, núi Ngự thuyền trôi lững lờ

Cầu Trường Tiền

Từ lâu, cầu Trường Tiền đã trở thành một phần lịch sử của mảnh đất cố đô. Hình ảnh những nhịp cầu cong cong rọi bóng xuống dòng sông trong những ngày nắng chói chang làm cho cây cầu thêm phần lặng lẽ, bình yên. Lang thang, tản bộ bên phía lề dành cho người đi bộ, du khách sẽ chứng kiến những âm thanh, hình ảnh quen thuộc hàng ngày của xứ Huế diễn ra ngay chính trên chiếc cầu này. Ban đêm, hình ảnh những ánh đèn rực rỡ đủ sắc màu được phát sáng càng làm cho cây cầu thêm lung linh, huyền ảo.

Đồi Vọng Cảnh

Đồi Vọng Cảnh cao 43m, nằm ở phía Tây Nam thành phố Huế, chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương. Đồi tọa lạc giữa vùng lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn và đối diện với điện Hòn Chén được thiết lập từ thời xa xưa ở phái đối ngạn. Đứng trên đồi Vọng Cảnh du khách thu trọn vào tầm mắt vẻ đẹp thơ mộng trữ tình cổ kính xứ Huế. Đây là nơi sông núi xích lại gần nhau để tạo ra một không gian sơn kỳ thủy tú. Ý nghĩa của địa danh Vọng Cảnh là như vậy.

Vịnh biển Lăng Cô và đầm Lập An

Bãi tắm Lăng Cô dài khoảng 8km, nằm dọc quốc lộ 1A, cạnh đèo Hải Vân và cách Vườn quốc gia Bạch Mã 24km. Ðây là một bãi tắm có bờ biển thoải, cát trắng, sóng vừa và lớn, thủy triều lên xuống theo chế độ bán nhật triều với mức chênh lệch thấp (chỉ khoảng 0,7 - 0,8m), rất thích hợp cho loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, lặn biển, và đã được xác định là một khu nghỉ mát lý tưởng từ nhiều năm nay. Nằm liền kề bãi tắm Lăng Cô là núi Hải Vân - Hải Vân quan một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Dọc theo chân núi Hải Vân, biển Lăng Cô có dải san hô, tôm hùm và nhiều loại hải sản có giá trị cao. Trong khu vực này còn có hòn Sơn Chà (đảo nhỏ). Sơn Chà nhìn xa trông tựa như một chiếc chảo úp ngược, cao 235m so với mặt biển và rộng khoảng 60.000m2 nên được dân gian gọi tên là hòn Chảo. Những ngày hè đẹp trời du khách có thể thỏa sức với thú vui lặn biển để khám phá những vẻ đẹp bí ẩn nằm sâu trong lòng biển hòn Chảo. Hòn đảo xanh này còn là nơi duy nhất trên biển bảo tồn loài sơn dương quý hiếm, cùng nhiều loài hải sản như: tôm hùm, bào ngư, sâm biển… Phía sau bãi tắm Lăng Cô còn có đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã. Trong những ngày nắng vàng ươm như rót mật, đầm Lập An được soi chiếu sáng tựa như một tấm gương khổng lồ phản chiếu ánh sáng mặt trời. Tấm gương ấy còn soi chiếu cảnh vật lung linh, in bóng thiên nhiên xứ Huế đẹp mê hồn. Tất cả những yếu tố đó mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn về phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch: nghỉ mát, lặn biển, tìm hiểu hệ động - thực vật hoang dã, nuôi trồng thủy sản.

Thơ mộng vịnh Lăng Cô

Phá Tam Giang

Phá Tam Giang nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - cầu Hai, nổi tiếng là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Đến đây, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp hoang sơ, phóng khoáng mà vẫn phảng phất hơi thở trầm mặc đặc trưng đất Huế. Chỉ cần ghé phá Tam Giang một ngày là du khách có thể đủ cảm nhận được nét đẹp của vùng đầm phá cổ kính này.

Biển Cảnh Dương

Cảnh Dương là một trong những bãi biển đẹp ở Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế chừng 60km về phía Nam. Bãi biển Cảnh Dương dài 8km, rộng 200m, hình vòng cung, nằm giữa mũi Chân Mây Tây và Chân Mây Ðông. Bờ biển Cảnh Dương có độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước biển trong xanh và tương đối kín gió rất thuận lợi cho việc tổ chức các loại hình du lịch và thể thao.

Bãi biển Thuận An thơ mộng

Bãi biển Thuận An nằm cạnh cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông, nơi dòng sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi thông ra biển. Thuận An là địa điểm thu hút rất đông người dân xứ Huế về hóng mát và tắm biển vào dịp hè. Du khách về Thuận An có thể đến tham quan miếu Thái Dương ở gần đó với sự tích nữ thần Thái Dương được dân làng hết sức sùng bái, hoặc thăm miếu Âm Linh thờ thần cá voi, con vật linh thiêng của dân miền biển.

Vẻ đẹp biển Thuận An khi hoàng hôn xuống

Khu du lịch suối khoáng Thanh Tân

Khu du lịch suối khoáng Thanh Tân xây dựng trên diện tích 50ha. Bên cạnh những dãy núi cao ngất là những quả đồi được tạo hóa sắp xếp liền kề. Màu xanh của núi rừng, cây cỏ giúp cho du khách cảm giác thư thái, dễ chịu ngay từ phút đầu tiên. Đặt chân tới chốn này, bạn có thể bách bộ, ngắm những giò phong lan rừng tuyệt đẹp hay thưởng thức những ly trà nóng được chiếc xuất từ loại hoa chỉ được trồng tại Thanh Tân. Du khách sẽ được thả mình trong    dòng nước khoáng nóng trong lành, để tận hưởng cảm giác thư giãn, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng.

Vườn quốc gia Bạch Mã

Núi Bạch Mã cách thành phố Huế 60km về phía Nam, ở độ cao 1.450m, là nơi nghỉ mát nổi tiếng ở Việt Nam. Trên đỉnh núi hùng vỹ bốn mùa xanh tươi với thác nước, suối rừng, là cả một vùng khí hậu ôn đới như ở Sapa, Tam Ðảo, Ðà Lạt... Núi Bạch Mã còn là nơi quy tụ nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm ở miền nhiệt đới. Núi Bạch Mã nổi tiếng bởi có những con suối và nhiều ngọn thác ngoạn mục như thác Đỗ Quyên, thác Bạc. Ðứng trên đỉnh núi Bạch Mã du khách có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh lộng lẫy của đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và ánh điện lung linh của thành phố Huế vào ban đêm.

Di tích Lịch sử - Văn hóa

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, qua bao biến thiên của thời cuộc, Thừa Thiên Huế vẫn lưu giữ cho thế hệ ngày nay một kho tàng sử liệu đồ sộ từ các di tích của nền văn hóa Chămpa, đến quần thể di tích lịch sử văn hóa liên quan các triều đại phong kiến nhà Nguyễn với đầy đủ hệ thống thành quách, cung điện, đền miếu, lăng tẩm và nhiều giá trị văn hóa phi vật thể khác như ca múa cung đình, lễ hội... Nổi tiếng một thời là kinh đô Phật giáo của Việt Nam, Thừa Thiên Huế còn có hàng chục ngôi chùa cổ kính, uy nghi tạo nét riêng trong đời sống tinh thần xứ Huế. Không những thế, Thừa Thiên Huế còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng, đặc biệt quý hiếm là nhóm di tích gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và những người con mà tên tuổi đã gắn liền với dòng chảy của lịch sử đấu tranh cách mạng như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Đăng Lưu... hay những địa danh nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ biểu thị ý chí quật cường của người dân xứ Huế như Khe Tre, A Sầu, A Lưới (đường mòn Hồ Chí Minh), địa đạo Nam Sơn...

Quần thể di tích Cố đô Huế

Quần thể di tích Cố đô Huế nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của tỉnh, là cố đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, từ năm 1802 đến 1945. Với những giá trị mang tính toàn cầu, Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành Di sản Văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới năm 1993. Quần thể di tích Cố đô Huế bao gồm nhiều di tích lịch sử - văn hóa, được chia thành 3 vòng thành: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành. Với khung cảnh cổ kính, nguy nga cùng những công trình kiến trúc đặc sắc sẽ khiến bạn được chìm đắm vào cuộc sống cung đình xưa và tìm hiểu thêm về thời kỳ lịch sử nhà Nguyễn.

Hoàng thành Huế

Kinh thành Huế

Được xây dựng từ đầu thế thế kỷ 19, Kinh thành có hơn 10 cửa ra vào và được thiết lập hơn 24 pháo đài để phòng thủ. Trong Kinh thành, nhà Nguyễn còn cho xây dựng nhiều lăng tẩm và các công trình lớn nhỏ khác như: Kỳ Đài Trường, Quốc Tử Giám, điện Long An, đình Phú Xuân, hồ Tịnh Tâm, Tàng thư lâu, viện Cơ mật - Tam tòa và Cửu vị thần công.

Hoàng thành

Nằm bên trong Kinh thành là Hoàng thành (hay còn gọi là Đại Nội), được giới hạn bởi một vòng tường thành vuông, mỗi chiều dài xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào. Trong đó, cổng độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của cố đô là cổng Ngọ Môn. Đây là công trình có quy mô đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam với hàng vạn người thi công và khối lượng đất đá khổng lồ lên đến hàng triệu mét khối. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm công trình đền đài, miếu thờ bề thế và cung điện tráng lệ nguy nga gồm: điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi, Triệu Tổ miếu, Hưng Tổ miếu, Thế Tổ miếu, Thái Tổ miếu, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hiển Lâm Các, Cửu đỉnh và điện Phụng Tiên.

Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế và đây cũng là nơi làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Đến tham quan Tử Cấm Thành, du khách sẽ mường tượng được phần nào cuộc sống vua chúa xưa. Một số công trình tiêu biểu trong Tử Cấm Thành có thể kể đến như Thái Bình Lâu, điện Cần Chánh, Duyệt Thị Đường, Tả Vu và Hữu Vu. Nếu như Điện Cần Chánh là nơi vua thiết triều và thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình thì Thái Bình Lâu lại được vua Khải Định cho xây dựng làm nơi thư giãn, nghỉ ngơi cho nhà vua và được hoàn thành sau 3 năm. Thái Bình Lâu gây ấn tượng với du khách bằng các chi tiết trang trí rồng, phượng có giá trí nghệ thuật lớn trong một không gian thanh bình và tao nhã.

Bên ngoài Kinh thành Huế còn có lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn. Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ánh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ: như lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp khiến người xem cảm nhận được hùng khí của một chiến tướng từng trải trăm trận; lăng Minh Mạng uy nghi, bình chỉnh đăng đối giữa rừng núi hồ ao được tôn tạo khéo léo, hẳn có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ; lăng Thiệu Trị thâm nghiêm thể hiện phần nào tâm sự của một nhà thơ siêu việt trên văn đàn song không nối được chí tiền nhân trong chính sự; lăng Tự Ðức thơ mộng trữ tình được tạo nên chủ yếu bằng sự tinh tế của con người. Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng bao nhiêu công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền mà cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục. Song song với Kinh thành vững chãi bảo vệ bốn mặt, Trấn Bình Thành án ngữ đường sông, Trấn Hải Thành trấn giữ mặt biển, Hải Vân quan phòng ngự đường bộ phía Nam, cả một hệ thống thành lũy của Kinh đô song không mấy ai để ý đến tính quân sự của nó vì nghệ thuật kiến trúc đã đạt đến đỉnh cao. Đan xen giữa các khu vực kiến trúc cảnh vật hóa độc đáo ấy, chúng ta còn có thể tham quan đàn Nam Giao - nơi vua tế trời; đàn Xã Tắc - nơi thờ thần đất, thần lúa; Hổ Quyền - đấu trường duy nhất dành cho voi và hổ; Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sĩ văn thời Nguyễn; Võ Miếu - nơi thờ các danh tướng cổ đại và dựng bia khắc tên Tiến sĩ võ; điện Hòn Chén - nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, chùa Thiên Mụ - ngôi quốc tự dưới thời Nguyễn, cũng là ngôi chùa cổ nhất của Huế...

Lăng Tự Đức nhìn từ trên cao

Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình ở Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế, mảnh đất đã nuôi dưỡng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người cùng gia đình sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước trong giai đoạn 1895 -1901 và 1906 - 1909. Chính nơi đây đã góp phần hun đúc và hình thành tư tưởng yêu nước, thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Đến nay, theo thống kê ở Thừa Thiên Huế có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người như: Di tích trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Di tích tòa Khâm sứ Trung Kỳ, trường Quốc học Huế, nơi an táng thân mẫu Bác Hồ - bà Hoàng Thị Loan. Về di sản “phi vật thể”, có hàng ngàn tư liệu thành văn và dân gian viết về Người, hồi ức của chính Người về thời kỳ ở Huế và tấm lòng của Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, cũng như Thừa Thiên Huế với Bác Hồ. Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có vinh dự và trách nhiệm trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh, nhằm góp phần từng bước đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc sống. Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế là niềm tự hào và là tài sản vô giá cho mảnh đất và con người xứ Huế. Những địa điểm di tích này thu hút đông đảo nhân dân mỗi khi đến Huế, đồng thời là nơi để người dân cố đô Huế viếng thăm mỗi khi nhớ đến Người.

Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã

Thuộc Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, Trúc lâm Bạch Mã là ngôi thiền viện đầu tiên tại miền Trung, tọa lạc tại núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ thành phố Huế xuôi về Nam khoảng 30km, đến địa phận xứ Truồi, đi vào Đập Truồi, vượt hết dốc thoải bên lưng đồi, một bức tranh thủy mặc sinh động hiện ra. Ở độ cao 1.450m, Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã hiện lên giữa lòng hồ Truồi như một đóa hoa, gối đầu vào núi rừng Bạch Mã trải dài hút mắt. Được xây dựng hài hòa trong một chỉnh thể của kiến trúc Phật giáo và Thiền viện Trúc lâm Yên Tử, Trúc lâm Bạch Mã cũng có chính điện thờ Phật tổ đang ngồi tu niệm dưới gốc cây bồ đề, phía sau chính điện là khu vực tổ đường thờ tổ sư Đạt Ma của thiền phái Trúc lâm. Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã là một quần thể danh lam giữa vùng sơn thủy hữu tình đã trở thành địa chỉ tham quan cho du khách thập phương khi đến với vùng đất cố đô Huế.

Chùa Huyền Không Sơn Thượng

Với kiến trúc độc đáo cùng với nét hoang sơ huyền bí, chùa Huyền Không Sơn Thượng đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng của xứ Huế. Quần thể chùa bao gồm: chánh điện, am mây tía, nghinh lương đình, nhà khách, chúng hòa đường (nhà sinh hoạt), quá thiện đường (nhà ăn), tăng xá, cốc liêu chư Tăng ni… Đặc biệt, trong sân chùa còn có hơn 200 giỏ lan quý khoe sắc rực rỡ bên cạnh những cây tùng, hàng sư tử quân hay những cây muồng hoàng yến nở rộ mỗi khi đến mùa.

Nhà vườn An Hiên

Nhà vườn An Hiên (phường Kim Long, thành phố Huế) rộng gần 5.000m2 với kiểu kiến trúc nhà rường cổ độc đáo kết hợp vườn cây ăn quả bốn mùa vừa có dáng vẻ quý tộc, lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống. Cổng được xây bằng gạch cuốn vòm với những đường nét cổ kính đặc trưng của kiến trúc Huế. Theo tài liệu còn lưu giữ được, trước năm 1895, gia chủ đầu tiên của ngôi nhà là công chúa thứ 18 của vua Dục Đức, khi đó dinh cơ này là phủ công chúa. Mặc dù đã trải qua hơn một thế kỷ tồn tại nhưng nhà vườn An Hiên vẫn bảo tồn nguyên vẹn cả về cảnh quan lẫn lối kiến trúc độc đáo. Đây là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi đặt chân đến Huế.

Nét cổ kính của nhà vườn An Hiên

Làng cổ Phước Tích

Phước Tích cách thành phố Huế 40km về hướng Bắc, là ngôi làng nhỏ có dân số 320 người. Làng cổ Phước Tích là một di sản sống vì có quần thể nhà cổ có giá trị cao được bảo tồn nguyên vẹn, người dân với nếp sống được duy trì từ ngày xưa. Năm 2009, các giá trị văn hóa có lịch sử 500 năm tuổi ấy được công nhận là Di sản Văn hóa quốc gia. Ở trung tâm của làng có miếu cổ và cây đại thụ từ ngàn năm trước, có sông Ô Lâu chảy quanh như ôm trọn ngôi làng với các ngôi từ đường liên tục chạy dọc bờ sông. Những ngôi nhà cổ với hàng chè tàu bao quanh nằm rải rác quanh làng, khoác cho làng cảnh quan trải rộng phong phú màu xanh tuyệt đẹp. Bên cạnh những di tích tiêu biểu trên, Thừa Thiên Huế còn nhiều di tích lịch sử khác như: Nhà thờ Phủ Cam, làng Phước Tích, làng Dương Nỗ, tháp Mỹ Khánh, chùa Thuyền Tôn, chùa Thánh Duyên, chùa Từ Đàm, chùa Diệu Đế hay những ngôi trường nổi tiếng hơn một thế kỷ qua như trường Quốc học Huế, trường Đồng Khánh (nay là trường THPT Hai Bà Trưng )…

Lễ hội Thừa Thiên Huế

Nét đặc trưng của văn hóa ở Thừa Thiên Huế là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian và văn hóa cung đình. Những điệu hò, điệu lý dân gian được kế thừa và phát triển phục vụ cho vua chúa trở thành ca múa nhạc cung đình rồi được đưa ra ngoài để trở thành các điệu hát, múa phổ biến cả nước như ca Huế, múa cung đình… Là vùng đất có truyền thống văn hóa phong phú và đặc sắc, ở Thừa Thiên Huế có rất nhiều lễ hội dân gian được tổ chức công phu, khiến nhiều du khách thích thú với các sản phẩm du lịch văn hóa này.

Nhã Nhạc cung đình Huế

Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) có từ thế kỷ thứ 13, nhưng chỉ đạt đến mức độ điêu luyện tại cung đình Huế dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Các vị vua Nguyễn coi Nhã nhạc là âm nhạc chính thức của cung đình. Dưới triều Nguyễn, Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của quá trình nghi lễ, loại hình nghệ thuật này được trình diễn trong toàn bộ thời gian của gần 100 buổi lễ khác nhau mỗi năm. Nhã nhạc được xem như một phương tiện liên lạc, bày tỏ tôn kính đến các vị thần linh và bậc đế vương. Ngoài ra, nó còn được coi như là một phương tiện cho việc truyền đạt những ý tưởng mang tính triết lý và những khía cạnh về vũ trụ của người Việt Nam.

Festival Huế

Festival Huế được tổ chức vào dịp hè, theo định kỳ 2 năm/lần. Sự kiện này nhằm quảng bá sâu rộng nét đẹp văn hóa Huế và tiềm năng du lịch của Huế, tạo cơ hội cho du khách trong và ngoài nước biết, đến khám phá những sản phẩm du lịch mới ở mảnh đất cố đô này. Festival Huế thu hút các tổ chức, các đoàn nghệ thuật ở nhiều quốc gia tham dự. Festival Huế với mục tiêu phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới và thúc đẩy phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế đang trở thành hiện thực.

Lung linh sắc màu Festival Huế

Lễ hội đua ghe truyền thống trên sông Hương

Lễ hội đua ghe truyền thống trên sông Hương được tổ chức vào những dịp lễ lớn nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa, nêu cao tinh thần đoàn kết, thượng võ của nhân dân xứ Huế. Hằng năm, hội đua thu hút đông đảo người dân tham gia, cổ vũ.

Lễ hội vật làng Sình

Được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng hàng năm, Lễ hội đấu vật làng Sình được tổ chức tại khu vực đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống giàu tinh thần thượng võ của

người bản địa. Một nét độc đáo ở Lễ hội làng Sình là tinh thần đồng đội ở các địa phương, một đô vật của làng nào bị thua sẽ có đô vật khác lên tiếp sức. Nếu để thua một trận các đô vật phải chờ đến năm sau mới "phục hận" được, vì vậy các đô vật thường rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức để chờ đầu xuân tham dự, tranh tài. Hội vật làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động tinh thần thượng võ, kích thích lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ.

Lễ hội đền Huyền Trân công chúa

Lễ hội đền Huyền Trân công chúa được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 9 tháng giêng tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế. Đây là một hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi. Ngoài các phần nghi lễ chính, trong khuôn khổ lễ hội còn tổ chức triển lãm, trưng bày và giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống Huế và các trò chơi dân gian, triển lãm thư pháp…

Lễ tế đàn xã tắc

Lễ tế Xã Tắc được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm, diễn ra với 2 phần chính: lễ xuất cung và lễ tế, được phục dựng đúng theo quy cách xưa. Năm 1806, vua Gia Long cho xây dựng đàn Xã Tắc. Xã là vị thần quan trọng nhất trong 5 vị thổ thần, Tắc là lúa - quý nhất trong ngũ cốc. Vì là thờ Đất và Lúa nên đất để xây dựng đàn Xã Tắc, các thành, dinh, trấn trong toàn quốc đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc còn tượng trưng cho đất đai cả Tổ quốc. Ý nghĩa của đàn Xã Tắc xứ Huế vì thế càng thêm thiêng liêng. Địa bàn tỉnh còn tổ chức nhiều lễ hội truyền thống khác như: Lễ hội hoa đăng, lễ rước hến, Lễ hội làng bún, Lễ tế Tổ nghề thêu, Lễ hội điện Hòn Chén… du khách có thể tham gia, trải nghiệm hòa mình vào các lễ hội để hiểu và yêu hơn xứ Huế mộng mơ.

Lễ tế đàn xã tắc

Làng nghề truyền thống

Du lịch xứ Huế sẽ chẳng thể trọn vẹn nếu du khách bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu những làng nghề thuyền thống lâu đời ở đây. Mỗi làng nghề lại gắn liền với những câu chuyện lịch sử, với những tài khéo và sản phẩm ấn tượng riêng.

Làng nghề nón lá

Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa… Nón lá Huế, đặc biệt là nón bài thơ không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để có được chiếc nón ưng ý, các nghệ nhân làm nón Huế phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ, từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản… Có lẽ vì thế mà nón Huế rất được nhiều du khách ưa chuộng, tìm mua làm quà mỗi khi có dịp đến vùng đất này.

Làng nghề nón lá bài thơ Huế

Làng nghề đúc đồng

Nghề đúc đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Phường đúc ở Huế ra đời có nguồn gốc từ tổ chức của những thợ thuyền cùng nghề đúc dưới thời chúa Nguyễn. Hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng nhất xứ Huế là Kinh Nhơn và Bổn Bộ. Khi Chúa Trịnh và Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân thì các Công tượng đúc đồng bị tan rã. Riêng chỉ có họ Nguyễn ở Kinh Nhơn vẫn tiếp tục nghề đúc của cha ông. Từ những lò đúc của các anh em trong dòng họ Nguyễn, nghề đúc vẫn được duy trì và phát triển tới ngày nay.

Độc đáo tranh làng Sình

Người dân làng Sình sống cơ bản về nông nghiệp, nhưng do vị trí sát kề đế đô lại thuận tiện giao thông, có nhiều người buôn bán và làm thủ công, trong đó có nghề làm tranh thờ in ván khắc gỗ còn màu tô tay. Tranh Sình là tranh thờ, có các bộ: tranh cúng bổn mệnh, tranh cúng gia tiên, tranh ảnh cúng thế mạng, tranh lễ thành cúng cho người mang bầu, tranh cúng cho con nít… Tất cả những tranh trên đều phản ánh tín ngưỡng cổ sơ, là sự lưu ảnh của tư tưởng Việt cổ trước một thiên nhiên hoang sơ thần bí và linh dị…

Làng nghề gốm Phước Tích

Thăm ngôi làng cổ nổi tiếng nhất thành phố Huế - Phước Tích, cùng với người dân thuần hậu nơi đây làm ra một sản phẩm gốm là một trải nghiệm không thể bỏ qua du khách đến với xứ Huế. Với kỹ thuật nung bằng rơm, gốm Phước Tích nổi danh một thời với câu thơ: “Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”. Sản phẩm truyền thống “độc Phước Tích” có lu (chum), ghè, thạp, thống, om (niêu), bùng binh (ống tiết kiệm), tu huýt (còi) và ông táo nung chín thành sành, không thấm nước. Những sản phẩm trên được chở bán từ Nghệ An đến Nam Bộ. Các sản phẩm gốm không tráng men như lọ hoa… đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và được sử dụng trân trọng trong các buổi tiệc trà tại Nhật Bản.

Làng nghề gốm Phước Tích

Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên

Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Làng vốn có truyền thống làm nghề nông, tuy nhiên, vào tháng chạp, Thanh Tiên lại rộn rã với nghề làm hoa giấy. Sản phẩm hoa giấy thường được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông địa, táo quân, thần bếp… Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên là: phong phú về màu sắc, hình thức đẹp, bền, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm.

Làng hương Thủy Xuân

Nằm cách trung tâm thành phố Huế 7km về hướng Tây Nam, làng hương Thủy Xuân (đường Huyền Trân Công Chúa) là một ngôi làng đẹp, cây cối xanh tươi ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh và thâm trầm cùng dòng sông Hương thơ mộng. Mùi hương trầm nồng nàn trong gió tạo vẻ rất riêng cho làng nghề thủ công có từ thời chúa Nguyễn. Hương trầm xứ Huế nhìn thấy thật đơn giản nhưng để có được những nén hương ưng ý là cả sự kỳ công và sự khéo léo của bàn tay người nghệ nhân. Hầu hết người dân trong làng đều làm nghề xe hương nên cứ vào những buổi sáng ban mai tinh khiết là cả làng như được ánh lên bởi những sắc vàng, sắc đỏ, sắc xanh của những bông hoa hương và mùi hương trầm thơm ngát tỏa khắp không gian.

Tranh thêu xứ Huế

Theo các nghệ nhân cao tuổi nơi đây, nghề thêu ở Huế có từ 300 năm trước, do các vương triều nhà Nguyễn mời các nghệ nhân tài hoa mọi miền về phục vụ cho vua quan, hoàng tộc hay thêu trang trí nội thất cung đình... Những nghệ nhân này sống ở Huế, rồi lập gia đình và truyền nghề cho lớp cháu con. Bằng tài nghệ, kỹ xảo và sự điêu luyện của đôi tay người thợ thêu Huế đã tạo nên những bức tranh thêu độc đáo với nhiều loại hình phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của nhiều đối tượng khách trong và ngoài nước.

Làng nghề đan lát Bao La

Cách thành phố Huế 15km về phía Bắc, đoạn trung lưu bờ Bắc con sông Bồ, làng Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền là một làng nghề đan lát truyền thống nổi tiếng. Làng nghề được hình thành từ xa xưa và đến thời chúa Nguyễn đã thành lập thêm một làng Bao La mới, nay thuộc thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, cạnh bờ Nam phá Tam Giang. Cả hai làng này đều có chung một nghề thủ công là đan lát. Các sản phẩm làng tạo ra như: rổ, rá, dần, nong phơi, chõng tre, nôi trẻ em, giường ngủ… đều làm từ vật liệu mây và tre. Bằng bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của mình, người dân nơi đây đã tạo thêm nhiều loại sản phẩm mới như: lẵng cắm hoa, giá sách, đèn treo trang trí, giá treo đèn… Hàng đan bằng tre, nứa của Bao La vừa đẹp vừa bền. Du khách khi tới Huế, có thể tìm mua các sản phẩm thủ công của làng nghề Bao La tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.

Ẩm thực

Được tiếng là thanh lịch, người Huế lại tỏ ra sành điệu trong ăn uống, không chỉ trong khâu chọn nguyên vật liệu mà còn cầu kỳ từ việc nêm nấu chế biến cho đến cách bày biện trang trí. Mỗi món ăn được nâng lên thành một tác phẩm nghệ thuật. Có thể nói, người Huế đến với ẩm thực không theo cái nghĩa sinh học giản đơn, mà thưởng thức bằng cả khứu giác, thị giác và cả thính giác. Ngoài các món ăn dân dã mà tinh tế, những món ăn ngon lúc đầu chỉ dành cho giới quý tộc trong các vương phủ, dần cũng theo chân người nội trợ ra phục vụ những gia đình khá giả trong các dịp lễ, tết, cúng kỵ, hay thiết đãi bạn bè. Du khách có thể biết tới nem chua An Cựu, chả lụa Thành Hân và nhiều món ăn khác. Thật là thiếu sót nếu nói nhiều về món ăn Huế mà không nhớ đến món ăn chay. Các món ăn chay được làm cầu kỳ và ngon không kém món ăn mặn. Đối với các gia đình Phật tử ở Huế mời bạn bè ăn một bữa cơm chay, thì đó là một cách bày tỏ sự quý mến và trân trọng người bạn của mình. Cùng với các món ăn trong bữa cơm gia đình, Huế còn có những món ăn đặc sản như bún bò, giò heo, mà nổi tiếng nhất là bún Gia Hội, chợ Tuần.


Độc đáo cơm Hến xứ Huế

Ngoài ra, hàng chục loại bánh mặn, ngọt mà ai đã một lần nếm thử, hẳn không quên được món quà đặc sắc chốn Cựu kinh, đó là các loại bánh nổi tiếng gắn liền với các địa danh: bánh khoái Đông Ba, bánh bèo Ngự Bình, bánh canh Nam Phổ, bánh ướt thịt nướng Kim Long… Chè Huế cũng phong phú không kém các loại quà bánh. Có thể kể ra 36 loại chè khác nhau, đủ sức hấp dẫn trong buổi tối mùa hè nóng nực: chè bột lọc bọc thịt quay, chè hạt sen bọc long nhãn, chè đậu ván, chè đậu xanh đánh, chè đậu ngự, chè đậu huyết… món nào cũng đem tới cho du khách sự thích thú đặc biệt. Hoa quả xứ Huế tập hợp được nhiều loại của ba miền, đặc biệt còn có những thứ là đặc sản địa phương như quýt Hương Cần, thanh trà Nguyệt Biều… Những món ăn Huế dù là cao lương mỹ vị hay dân dã đơn sơ, đều làm cho ai đó một lần nếm qua phải xuýt xoa khen ngon, để rồi lưu luyến mãi cái hương vị khó quên ấy.

Có thể nói, Thừa Thiên Huế có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn cả về vẻ đẹp sinh thái tự nhiên, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và truyền thống lịch sử lâu đời. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển du lịch nhanh, bền vững, hội nhập sâu rộng vào thị trường du lịch quốc tế.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam