Hòa Bình là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ Tây Bắc, tiếp giáp với thành phố Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Sơn La, Thanh Hóa. Thành phố Hòa Bình là điểm kết nối Hà Nội và các tỉnh đồng bằng với các tỉnh vùng Tây Bắc. Hòa Bình có diện tích tự nhiên là 4.595km2, gồm 10 huyện và 1 thành phố; 210 xã, phường, thị trấn; dân số gần 83 vạn người với 6 dân tộc cùng chung sống là Mường, Kinh, Tày, Thái, Dao, Mông… trong đó có hơn 63% là người dân tộc Mường. Vùng đất này sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình”. Hòa Bình còn có địa hình đồi núi đá vôi trùng điệp tạo nên những hang động đẹp như: quần thể hang động núi đầu Rồng, quần thể hang động chùa Tiên, động Ngòi Hoa, các khu rừng nguyên sinh đa dạng về sinh học, hệ động thực vật phong phú… Đây là những điều kiện thuận lợi để Du lịch Hòa Bình mở ra những tuyến du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn.
Danh lam thắng cảnh
Thiên nhiên đã ban tặng cho Hòa Bình nhiều phong cảnh tuyệt đẹp, những thung lũng quanh năm mây mờ che phủ, những ngọn thác bình lặng, những hang động kì bí... Tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây đã làm say lòng biết bao du khách.
Lòng hồ Hòa Bình
Được mệnh danh là vịnh Hạ Long trên núi, vùng hồ Hòa Bình là một trong những điểm đến mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến với Hòa Bình. Sau khi đắp đập xây dựng Thủy điện Hòa Bình, mực nước sông Đà dâng lên tạo thành lòng hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước 8.000ha, dung tích 9,5 tỷ mét khối với hàng trăm đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước mênh mông. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những cảnh đẹp ngoạn mục của “vịnh Hạ Long trên núi”, được tìm hiểu về đời sống văn hóa của người Mường; trải nghiệm thú vị khi tự câu cá, nướng cá trên lòng hồ sông Đà… Với phong cảnh sông núi hữu tình, hồ Hòa Bình được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển thành Khu du lịch quốc gia.
Thung Nai
Từ Hà Nội, theo quốc lộ 6 khoảng 76km về phía Tây Nam đến thành phố Hòa Bình, tiếp tục rẽ phải về phía thượng nguồn sông Đà khoảng 25km, du khách sẽ tới Thung Nai. Từ trên cao nhìn xuống, vẻ đẹp Thung Nai thật nên thơ, quyến rũ. Vào những ngày mưa, mặt hồ trải rộng mang màu đỏ phù sa. Vào những ngày nắng, mặt hồ trong xanh in bóng núi non, mây trời. Mùa xuân là thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp Thung Nai. Ngoài đi thuyền thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình, du khách còn có thể khám phá các điểm du lịch quanh Thung Nai như: đền và động Thác Bờ, chợ Thác Bờ, bản dân tộc Mường…
Nhà máy thủy điện Hòa Bình
Nhà máy thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn nhất nước ta trong thế kỷ 20, là niềm tự hào của cả dân tộc trên chặng đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước... Cùng với các chức năng về xã hội, kinh tế, nhà máy thủy điện Hòa Bình đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách, với nhiều hạng mục công trình có giá trị như: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghi trên đồi ông Tượng; nhà truyền thống nơi lưu giữ bức thư thế kỷ gửi thế hệ mai sau; đài tưởng niệm những công dân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô hi sinh trên công trình
thủy điện.
Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi
Từ thủ đô Hà Nội, theo quốc lộ số 6 qua thị trấn Lương Sơn khoảng 1km, rẽ trái đi tiếp 30km du khách sẽ đến Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi. Chảy ngầm qua khu du lịch là dòng suối nước nóng Kim Bôi. Dòng suối vốn chảy sâu trong lòng đất chính vì vậy mà khi vừa lộ thiên nước suối có nhiệt độ từ 34ºC - 36ºC. Nước suối có đầy đủ những khoáng chất với độ tinh khiết hoàn hảo có lợi cho sinh dưỡng của con người. Chính vì vậy, đây còn là nơi dưỡng thọ và chữa các bệnh như thấp khớp, đau dạ dày, bệnh đường ruột của con người. Đến suối khoáng Kim Bôi, du khách sẽ thỏa sức vui chơi và giải trí với những hoạt động ở đây như: tắm bùn, tắm khoáng, tắm bể sục, các dịch vụ chữa bệnh trị liệu...
Để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách, hiện nay tại khu vực nước khoáng nóng Kim Bôi có nhiều khách sạn, resort sang trọng được xây dựng như: Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi, Khách sạn Công đoàn, V-Resort hoặc Serena Resort Kim Bôi. Tại các khu nghỉ này du khách có thể nghỉ ngơi, tắm suối khoáng, tổ chức giao lưu văn nghệ đốt lửa trại, thưởng thức các chương trình văn nghệ cồng chiêng và rượu cần đặc sắc, tổ chức nghỉ dưỡng hay hội nghị hội thảo.
Mai Châu
Nằm ở phía Tây của Hòa Bình, giáp với huyện Mộc Châu của Sơn La, cách thủ đô Hà Nội khoảng 140km, Mai Châu là điểm đến hàng đầu của nhiều bạn trẻ yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên cũng như văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi. Mai Châu còn có nhiều di tích, danh thắng mang giá trị lịch sử - văn hóa và cảnh quan đẹp, trong đó nổi bật có 5 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, bao gồm: Hàng Khoài (Xăm Khòe), hang Chiều (thị trấn Mai Châu), Hàng Nhật, Hàng Láng, hang Mỏ Luông (Chiềng Châu). Mai Châu còn là địa phương lưu giữ kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với những nét đặc trưng của dân tộc Thái, Mông qua các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày cũng như qua các lễ hội.
Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, Mai Châu còn thu hút du khách bởi nét thuần khiết, mộc mạc và thân thiện của con người. Vùng đất này là nơi chung sống của cộng đồng các dân tộc Kinh, Mường, Mông, Dao, Tày, Hoa và đặc biệt là người dân tộc Thái. Người Thái ở Mai Châu đã làm nên nét đẹp riêng hấp dẫn bao du khách đến với mảnh đất này. Quả thực không sai khi nói Mai Châu là đóa hoa giữa núi rừng Tây Bắc, là điệu hát mê luyến vang lên giữa trời đất Hòa Bình.
Thung lũng Mai Châu - Đóa hoa giữa núi rừng Tây Bắc
Bản Ngòi
Nằm cách cảng Thung Nai gần một giờ đi tàu trên hồ thủy điện sông Đà, bản Ngòi thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc là một trong những bản cổ người Mường đẹp nhất của tỉnh Hòa Bình. Đây là nơi sinh sống của gần 90 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, đều là người dân tộc Mường, sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản tại lòng hồ Hòa Bình. Nơi đây vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ với những nếp nhà sàn mái cọ, những thác nước tự nhiên mát lành, trong trẻo cùng những con người hiền lành, chân chất… Đến với bản Ngòi, du khách có cơ hội khám phá giá trị văn hóa Mường như: thăm nhà sàn của thầy Mo - người được xem là “giữ lửa” trong đời sống tinh thần của người Mường; thưởng thức những điệu cồng chiêng, múa sênh tiền, hát Mường, diễn xướng mo Mường, phiên chợ quê… Ngoài ra, bản Ngòi là địa điểm lý tưởng cho những du khách muốn trải nghiệm trekking, hòa mình với thiên nhiên.
Di tích lịch sử - Văn hóa
Hòa Bình, vùng đất cửa ngõ thủ đô Hà Nội, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng với sử thi "Đẻ đất, đẻ nước", những áng mo Mường sâu lắng và những điệu kèn, điệu ví làm say đắm lòng người. Hòa Bình còn được biết đến như một cái nôi của lịch sử loài người với nền "Văn hóa Hòa Bình" thuộc thời kỳ đồ đá mới
Di chỉ Văn hóa Hòa Bình
Theo số liệu thống kê của Viện Khảo cổ học Việt Nam năm 1989, tỉnh Hòa Bình có 69 địa điểm di tích Văn hóa Hòa Bình. Các di tích đều nằm trong các hang động và mái đá cao ráo quanh các thung lũng, có hệ sinh thái phổ tạp thuận lợi cho việc săn bắt và hái lượm. Các di tích Văn hóa Hòa Bình thường phân bố thành từng cụm trong các thung lũng hẹp, mỗi cụm có từ 5 - 7 di tích và có diện tích khoảng từ 50 - 150m, độ cao trung bình so với mặt ruộng từ 10 - 20m như huyện Tân Lạc có cụm: hang Muối, mái đá Triềng Xến I, mái đá Triềng Xến I, hang Triềng Xến II; huyện Lương Sơn có cụm: hang Tằm, hang Rổng Tằm, hang Trâu, hang Chổ; huyện Lạc Sơn có cụm: hang xóm Trại, mái đá làng Vành, hang Dúng… Các di vật chính của thời kỳ Văn hóa Hòa Bình tại tỉnh Hòa Bình là các dụng cụ bằng đá cuội, ghè đẽo tương đối thô sơ một mặt hoặc chỉ phần lưỡi. Đến thời kỳ cuối của Văn hóa Hòa Bình, các hiện vật đã được sử dụng đến kỹ thuật mài: mài lưỡi, mài một mặt, mài toàn thân. Các di tích Văn hóa tại tỉnh Hòa Bình là tài sản vô cùng quý báu, cần được bảo tồn và gìn giữ.
Hiện vật di chỉ văn hóa Hòa Bình
Đền chúa Thác Bờ
Thác Bờ xưa còn gọi là thác Vạn Bờ, được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà. Theo truyền thuyết, đền thờ bà chúa Thác Bờ là Đinh Thị Vân - người Mường và một người phụ nữ dân tộc Dao ở Vầy Nưa, có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn. Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hòa. Bởi vậy, nhân dân trong vùng phong cả hai là Bà chúa Thác Bờ và lập đền thờ phụng. Đền chúa Thác Bờ có địa thế phong thủy hài hòa và hùng vĩ, sau lưng là núi, trước mặt là sông nước hữu tĩnh, thuyền bè qua lại. Vừa đi lễ, vừa thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình với vô vàn đảo đá nhấp nhô trên mặt nước, du khách sẽ thấy lòng mình thật bình yên.
Quần thể di tích hang động chùa Tiên
Nằm cách thủ đô Hà Nội chừng 80km, cách trung tâm huyện 9km, quần thể danh thắng chùa Tiên là một địa chỉ du lịch được nhiều người yêu thích. Quần thể khu di tích chùa Tiên bao gồm hơn 20 di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ, thắng cảnh: đền Trình, đền Mẫu, động Thủy Tiên, Thung lũng Tình Yêu, động Giải Oan, suối Vàng, suối Bạc, động Cô Chín, động ông Hoàng Bảy, động Châu Sơn, động Tam Toà, đình Trung, chùa Tiên... Đến đây, du khách như được trở về với cội nguồn, được hòa mình với mây trời sắc núi, có cảm giác tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản.
Động Đá Bạc
Lễ hội Hòa Bình
Hòa Bình là cái nôi của nền văn hóa Việt - Mường, nơi sản sinh và lưu giữ những áng mo sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước” của người Mường. Mỗi dân tộc ở Hòa Bình có bản sắc văn hóa riêng thể hiện trong phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca và đặc biệt là những lễ hội dân gian. Ngày nay, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh còn được bảo tồn và phát huy tiêu biểu như: Lễ hội khai hạ Mường Bi, Lễ hội đền Bờ, Lễ hội chùa Tiên, Lễ hội Xên Mường… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia.
Lễ hội Xên Mường
Lễ hội Xên Mường được tổ chức tại xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình), nơi được coi là thủ phủ, điểm phát tích của người Thái. Lễ hội là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tạo không khí tươi vui phấn khởi để bước vào năm mới. Hòa mình vào không gian lễ hội, du khách sẽ được khám phá nét văn hóa mang đậm bản sắc riêng biệt, độc đáo của người Thái Hòa Bình.
Lễ hội đền Chúa Thác Bờ
Mỗi độ tết đến xuân về, người dân Hòa Bình cùng phật tử thập phương lại nô nức đổ về dâng hương tại đền Chúa Thác Bờ với mong muốn cầu tài lộc, bình an và hạnh phúc cho năm mới. Lễ hội Đền Bờ chính thức được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 âm lịch, bao gồm các hoạt động văn hóa như: hầu đồng, cầu danh, cầu tài, rút quẻ... Du khách tới dự Lễ hội đền Chúa Thác Bờ còn có dịp thưởng thức nhiều món ăn ngon được chế biến từ cá sông Đà như: cá nướng, cá chiên...
Lễ hội Khai hạ Mường Bi
Lễ Khai hạ Mường Bi hay còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng, gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn của nền văn minh Việt cổ. Đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Bi. Lễ hội là sự khởi đầu cho một năm mới, là dịp để nhân dân bày tỏ lòng kính trọng các vị thần đã lập ra Mường và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển… Đây cũng là dịp để đồng bào Mường Bi giao lưu, gặp gỡ, gạt bỏ những lo toan vất vả trong cuộc sống thường nhật, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Lễ hội còn thu hút du khách muôn phương về vui hội và tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Làng nghề truyền thống
Nghề dệt thổ cẩm Mai Châu
Một trong những nét đặc biệt của người Thái trắng ở Mai Châu là nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu được se sợi từ bông tự nhiên. Sợi được nhuộm bằng màu tự nhiên. Cách nhuộm vải truyền thống chính là yếu tố làm nên hồn cốt của thổ cẩm người Thái. Cỏ ngọt cho ra màu xanh nhạt; lõi cây mít cho ra màu vàng; hoa hiên thành màu đỏ; coóng cằm cho màu tím... Tất cả các nguyên liệu này được đun lên lấy nước, tùy theo khối lượng, pha màu sẽ tạo thành màu như ý. Sợi sau khi nhuộm xong sẽ được phơi khô bằng ánh nắng tự nhiên trước khi đưa vào dệt. Theo thời gian, sản phẩm dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng văn hóa sống động của người Thái Mai Châu. Sản phẩm từ dệt thổ cẩm đã trở thành một kho tàng của cải đáng giá của các gia đình dân tộc Thái, thể hiện sự sung túc, nếp sống văn minh của mỗi gia đình nói riêng và dân tộc Thái nói chung.
Làng nghề mây tre đan xóm Bùi
Làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bùi đã có từ lâu, nhưng trước đây bà con chủ yếu đan đồ dùng trong gia đình, sinh hoạt hàng ngày. Từ năm 2000 đến nay, nghề truyền thống đan khọ, mây tre đan đã phát triển rộng rãi hơn, mẫu mã đa dạng hơn, được các điểm du lịch trong nước và nước ngoài đặt mua làm quà lưu niệm và đồ dùng. Làng nghề có 70/200 hộ tham gia, có 150 lao động thường xuyên làm nghề. Từ khi hình thành cho đến nay, làng nghề đã tạo việc làm cho trên 300 lao động nhàn rỗi. Các loại sản phẩm của làng nghề truyền thống gồm có: ớp khọ, lọ hoa, khay, mâm, chim, giỏ, họp mẫn...
Sản phẩm của làng nghề làm ra được tiêu thụ tại các điểm du lịch trong nước và nước ngoài như Trung Quốc,
Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ẩm thực
Thiên nhiên đã ban tặng cho con người ở Hòa Bình nguồn thực phẩm khá phong phú. Đến với Hòa Bình, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn ngon, được tìm hiểu những nét văn hóa ẩm thực mang bản sắc riêng.
Chả lá bưởi
Thịt lợn ba chỉ thái con chì, ướp nước mắm hành; lá bưởi bánh tẻ dọc đôi, cuốn mỗi miếng thịt một nửa lá, đưa vào kẹp tre nướng trên than hồng. Lúc nướng chả mỡ lợn gieo xuống than hồng làm dậy lên ngọn lửa cho đến khi lá bưởi se lại ngả màu hơi tím là chả đã chín. Khi ăn lá bưởi có vị thơm giòn, lẫn vào thịt săn vàng làm tiêu tan sự ngấy và có vị đắng tê tê đầu lưỡi. Từ xa xưa người Mường đã sử dụng món chả cuốn lá bưởi vào mâm cỗ trong các ngày lễ, tết,… Hiện nay, khách du lịch khi đến Hòa Bình đều rất thích ăn món chả cuốn lá bưởi.
Cỗ lá
Cỗ lá của người Mường có nhiều nét rất độc đáo mang bản sắc riêng của dân tộc và cũng vì thế đã trở thành một thương hiệu của người Mường. Mâm cỗ lá gồm nhiều món được bày trên lá chuối tươi như: thịt luộc thái mỏng, thịt nướng, món lòng, bên cạnh đó còn có tiết canh, xôi đồ và canh loóng chuối… các món trên đều được chế biến từ thịt lợn thả rông, thịt thơm ngon mà không ngấy.
Thịt trâu nấu lá lồm
Món thịt trâu nấu lá lồm được chế biến từ nguyên liệu thịt trâu, lá lồm, gừng, tỏi, ớt, nước mắm và gia vị. Thịt ba chỉ được rửa sạch, thái miếng vừa ăn ướp với gừng, tỏi băm nhỏ. Khi nấu bỏ vào nồi đun cho thịt chín mềm thì vò lá lồm cho vào đảo đều rồi đun tiếp 10 phút. Thưởng thức món thịt trâu nấu lá lồm khi còn nóng sẽ cảm thấy vị ngọt thơm của thịt trâu, vị chua thanh của lá lồm, mùi hương của gừng, tỏi. Nếu ai đã từng đến Hòa Bình và thưởng thức món thịt trâu nấu lá lồm thì không thể nào quên được.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, Hòa Bình đang mong muốn thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, nghiên cứu, đầu tư phát triển các loại hình du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn du khách, mang lại hiệu quả cho các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoà Bình
Địa chỉ: Số 5 An Dương Vương, P. Phương Lâm, TP. Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình
Điện thoại: 0218 3856163 - Fax: 0218 3856163
Email: hoabinh@bvhttdl.gov.vn
Website: www.sovanhoa.hoabinh.gov.vn