Điện Biên là một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 9.563,278km2, dân số trên 550.000 người. Vùng đất này có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, quốc phòng đặc biệt quan trọng trong khu vực Tây Bắc, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, dài 455,572km.
Điện Biên mùa hoa ban
Điện Biên được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam, thắng cảnh tươi đẹp, hùng vỹ như hồ Pá Khoang, hang Thẩm Púa; là nơi cư trú của 21 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng gắn với nghệ thuật ẩm thực, nghề thủ công truyền thống và những lễ hội đặc sắc. Bên cạnh đó, Điện Biên còn có nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, tiêu biểu là các di tích: tháp Mường Luân, thành Bản Phủ, đền thờ Hoàng Công Chất và đặc biệt là cụm di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Với những tiềm năng to lớn về tự nhiên, lịch sử, Điện Biên là một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ Du lịch Việt Nam.
Danh lam thắng cảnh
Điện Biên là vùng đất giàu tiềm năng du lịch tự nhiên phong phú, có thể phát triển các loại hình du lịch như: sinh thái, thể thao - mạo hiểm… Trong hệ thống các điểm danh thắng ở Điện Biên phải kể đến hồ Pá Khoang, rừng Mường Phăng, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé…
Cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải
Nằm ở tọa độ 22026’ vĩ độ Bắc và 103001’ kinh độ Đông, ngã ba biên giới A Pa Chải là địa danh miền núi xa nhất phía Tây Bắc, là cột mốc ngã ba biên giới phân chia ranh giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Nơi đây từ lâu đã được du khách coi là một trong những điểm đến khó chinh phục và thú vị nhất bởi chặng đường lên cột mốc biên giới trên đỉnh cao A Pa Chải vẫn còn hết sức hoang sơ và nguy hiểm. Chinh phục A Pa Chải chính là hành trình chinh phục thiên nhiên, thể hiện lòng quyết tâm, ý chí và thể lực của du khách. Bên cạnh đó, ấn tượng sâu sắc mà A Pa Chải mang lại cho du khách là niềm tự hào, khẳng định chủ quyền Tổ quốc cùng niềm say mê trước vẻ đẹp phiêu bồng của vùng núi cao quanh năm mây phủ.
Cột mốc biên giới A Pa Chải
Du lịch sinh thái hồ Pá Khoang
Hồ Pá Khoang thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 20km, là cầu nối giữa thành phố Điện Biên Phủ với rừng nguyên sinh Mường Phăng - nơi có Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Hồ Pá Khoang có thảm thực vật phong phú, địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa thích hợp cho việc nghỉ dưỡng... Các thảm rừng quanh hồ có nhiều loài thú, động vật và các loại hoa phong lan, dưới hồ có nhiều loài cá và thực vật nổi.
Hồ Pá Khoang nằm giữa một vùng thiên nhiên hùng vĩ, ẩn hiện trong mây trời non nước. Vào mùa đông sương mờ buông phủ tạo nên một phong cảnh huyền ảo, thơ mộng. Mùa hè không khí nơi đây thật dễ chịu với không gian thoáng đãng, du khách có thể vút tầm mắt ra xa ngắm mây trời non nước hoặc chèo thuyền du ngoạn, ngắm cảnh. Tất cả tạo nên một khung cảnh êm đềm, mộng mơ, quyến rũ du khách.
Động Xá Nhè
Động Xá Nhè thuộc xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa là một trong những động đẹp nhất của Điện Biên với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp tự nhiên. Động dài 700m, gồm 5 khoang lớn nhỏ khác nhau, mỗi khoang đều có một vẻ đẹp kì bí riêng. Trên vòm động là những khối nhũ đá rủ xuống lấp lánh, khi thì mềm mại, uyển chuyển như thác nước, lúc mang dáng vẻ sắc nhọn như san hô biển. Từng khối thạch nhũ như những dòng thác đang tuôn chảy với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh. Dưới nền động là những rừng măng đá, nhũ đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ, khơi gợi trí tưởng tượng của du khách.
Động Pa Thơm
Động Pa Thơm thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ chừng 30km về phía Tây. Nhân dân địa phương gọi động là “Thẩm Nang Lai” nghĩa là “hang nhiều nàng tiên hoa”. Động được khám phá cách đây khá lâu cùng với những huyền thoại, truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa. Động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi. Chính giữa lối vào là một khối đá khổng lồ giống như đầu voi đang rủ xuống. Chiều sâu động khoảng hơn 350m chạy theo hướng Nam. Động có 9 vòm lớn nhỏ. Lối vào giáp cửa động là 3 khối đá lớn chắn ngang, nằm uốn lượn như một con trăn khổng lồ ngăn đôi động và tạo thành hai lối vào ra. Trong động có nhiều nhũ đá có hình dáng sống động, màu sắc huyền ảo, lung linh. Bên vách là những khối nhũ đá như những dòng thác lớn đang chảy, óng ánh bạc làm cho cảnh quan càng thêm vẻ huyền bí nhưng không kém phần thơ mộng. Có thể nói, động Pa Thơm là một kỳ quan thiên nhiên, địa danh du lịch hấp dẫn của tỉnh Điện Biên. Năm 2009, động Pa Thơm được công nhận là Di tích cấp quốc gia.
Di tích cấp quốc gia động Pa Thơm
Di tích lịch sử - Văn hóa
Điện Biên là một tỉnh miền núi giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa - lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, thành Bản Phủ, tháp Mường Luân... Những quần thể di tích này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm đối diện với Nghĩa trang liệt sĩ A1 tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ là nơi trưng bày và giới thiệu các hiện vật của quân đội Việt Nam và Pháp trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hiện nay, Bảo tàng có 2 khu trưng bày:
Khu trưng bày ngoài trời: gồm 112 hiện vật là những loại vũ khí của Quân đội nhân dân Việt Nam và thực dân Pháp sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khu trưng bày trong nhà: Với hệ thống trưng bày chọn lọc gồm hơn 400 tài liệu và hiện vật được trưng bày theo 4 chủ đề chính: Tóm tắt 8 năm kháng chiến chống Pháp của quân và dân Việt Nam (từ tháng 9/1945 - 9/1953); Âm mưu và hành động của thực dân Pháp, những chủ trương của Đảng ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954; công tác chuẩn bị của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ và diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ; tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với trong nước và quốc tế, một số hình ảnh về thành phố Điện Biên Phủ trong thời kỳ đổi mới.
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ làm bằng đồng, được đặt trên đỉnh đồi Di tích D1 ở trung tâm thành phố. Công trình được xây dựng và khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử
Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004). Tượng đài là công trình nghệ thuật kiến trúc vĩ đại, biểu tượng cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chiến trường Điện Biên Phủ
Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ là bằng chứng lịch sử về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một lực lượng quân sự hùng mạnh. Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, giải phóng hoàn toàn một nửa đất nước, mở đầu thời kỳ cách mạng Xã hội Chủ nghĩa trên miền Bắc. Với ý nghĩa và tầm vóc đặc biệt, Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, với 45 di tích thành phần và một số di tích lớn như: Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, Đồi A1, hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm
Điện Biên Phủ...
Di tích kiến trúc tháp Mường Luân
Tháp Mường Luân là công trình kiến trúc nghệ thuật nằm trên địa phận xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 70km. Tháp có cấu tạo hai phần rõ rệt gồm bệ tháp và thân tháp. Tháp được xây dựng mang dáng dấp một người đang ngồi thiền “Hua táng Keo, eo táng Lao” (có nghĩa: Đầu quay về Việt, lưng quay sang Lào). Ngoài ý nghĩa lịch sử, tháp Mường Luân còn chứa đựng những giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Năm 1981, Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Luân được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.
Di tích kiến trúc tháp Mường Luân
Thành Bản Phủ
Thành Bản Phủ thuộc xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 7km về phía Tây Nam. Thành Bản Phủ do nghĩa quân Hoàng Công Chất xây dựng từ năm 1758 - 1762. Thành có các cửa: tiền, hậu, tả, hữu, mỗi cửa có đồn cao và vọng gác. Sau này, nhân dân đã xây dựng đền thờ Hoàng Công Chất bên trong thành, để tưởng nhớ công lao của vị tướng này. Với những giá trị nghệ thuật đặc sắc, Thành Bản Phủ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1981.
Lễ hội Điện Biên
Một phần không thể thiếu để làm nên Điện Biên luôn ấn tượng trong lòng du khách đó là bản sắc văn hóa độc đáo với những điệu xòe say đắm lòng người, những lễ hội văn hóa đặc sắc. Lễ hội truyền thống ở Điện Biên là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc phản ánh đời sống tâm linh và sinh hoạt của các dân tộc cùng sinh sống trên vùng đất này.
Lễ hội hoa ban
Với mục đích tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp hoa ban, khẳng định giá trị, vị trí của hoa ban trong đời sống văn hóa, tinh thần các dân tộc ở Điện Biên, từ năm 2014, tỉnh Điện Biên đã tổ chức thường niên Lễ hội hoa ban vào dịp tháng 3 - mùa ban nở. Lễ hội là dịp để quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên tới du khách cũng như bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, bảo tồn và phát triển các loại hình di sản văn hóa dân tộc tiêu biểu; biến các giá trị di sản thành nguồn lực nội tại để thúc đẩy du lịch; kết nối với những tiềm năng, thế mạnh khác nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên. Lễ hội hoa ban chứa đựng những nét đẹp văn hóa tâm linh đặc trưng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với các nghi thức thỉnh bái “Then” - vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “nàng Ban” - một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thủy chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui. Đến với Tây Bắc, về với Điện Biên vào tháng 3, du khách sẽ cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ làm say đắm lòng người với màu trắng của hoa ban phủ kín núi rừng và hòa mình trong không gian lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội hoa ban Điện Biên
Lễ hội đua thuyền đuôi én Mường Lay
Lễ hội đua thuyền đuôi én được mở đầu bằng màn trống khai hội và lễ tế thần sông nước. Lễ tế thần sông nước vào ngày đầu năm mới có ý nghĩa cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, không xảy ra thiên tai để người dân yên tâm lao động sản xuất và gắn bó với nghề sông nước. Ngay sau lễ tế là phần tranh tài sôi nổi của các đội đua. Trong khuôn khổ lễ hội còn có nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian như tung còn, bắn nỏ, cà kheo, đẩy gậy...; trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc tại địa phương. Lễ hội là hoạt động thiết thực nhằm góp phần quảng bá về con người, mảnh đất Mường Lay cùng những giá trị văn hóa đặc sắc ở địa phương. Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc giao lưu, tăng cường đoàn kết, chung tay giữ gìn, bảo tồn môn thể thao đua thuyền đuôi én truyền thống.
Làng nghề truyền thống
Nghề dệt thổ cẩm
Sản phẩm thêu và dệt thổ cẩm là những sản phẩm thủ công điển hình của vùng Tây Bắc. Sự phát triển bền vững của nghề dệt thổ cẩm và thêu không những đóng góp cho việc cải thiện cuộc sống của cư dân khu vực mà còn cải thiện nền kinh tế khu vực nói chung. Cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40 phút ôtô, bản Na Sang II có lịch sử lâu đời về nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Sản phẩm thổ cẩm
Na Sang II đã được phân tích bởi nghiên cứu quy hoạch tổng thể về nghề thủ công năm 2004 của JICA và Hợp tác xã dệt Thổ cẩm Na Sang II là một trong những hợp tác xã điển hình nhất của tỉnh Điện Biên. Sản phẩm của làng nghề đa dạng với các loại như: váy (sỉn), áo (sửa), khố (phá biêng), tấm địu con (đà), khăn (phả).
Nghề mây, tre đan Nà Tấu
Từ những nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, nứa, mây... kết hợp với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, người nông dân Nà Tấu, Điện Biên đã cho ra đời những sản phẩm mây, tre đan đẹp mắt như: bàn mây, ghế mây, đĩa, mâm, gùi, giỏ, ép khẩu, nỏ thi đấu thể thao... Các sản phẩm này đã xuất hiện ở những hội chợ thương mại lớn, những khu trưng bày quà lưu niệm, được du khách thập phương ưa chuộng.
Nghề mây, tre đan Nà Tấu
Ẩm thực
Chè tuyết shan Tủa Chùa
Miền đất cao nguyên đá Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên quanh năm khí hậu mát mẻ, đây là điều kiện rất thích hợp cho sự phát triển của cây chè cổ thụ bén rễ tạo nên thương hiệu chè tuyết shan cổ thụ Tủa Chùa. Hiện nay, Tủa Chùa có gần 10.000 cây chè cổ thụ mọc rải rác tại 4 xã của huyện Tủa Chùa là: Sín Phình, Tả Shìn Thàng, Tả Phình và Sín Chải. Chè Tủa Chùa là giống chè quý, mọc tự nhiên, không chịu sự tác động của hóa chất, chất lượng sạch, an toàn. Đây là một đặc sản quý và là một trong những nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc nơi này.
Chè tuyết shan Tủa Chùa
Độc đáo xôi nếp nương Điện Biên
Nếp nương được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc nhưng loại nếp ngon nhất người ta thường nghĩ ngay đến là nếp nương Điện Biên. Ai đã từng được thưởng thức món xôi nếp nương thơm ngon do chính đồng bào các dân tộc chế biến sẽ cảm nhận được hương vị rất đặc biệt.
Thịt trâu hun khói
Đây là một trong những món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. Vào những dịp lễ, tết, người dân trong bản thường mổ trâu và không quên để ra một lượng thịt ngon để sấy khô. Vị ngọt của thịt trâu đượm trong sự đậm đà của gia vị tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt.
Trong những năm qua, với nhiều chính sách, chủ trương đúng đắn cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Du lịch Điện Biên đang từng ngày khởi sắc và trở thành điểm sáng trên bản đồ Du lịch Việt Nam.