Từ 12h ngày 17/7, hoạt động tham quan trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và bãi tắm sẽ dừng để phòng chống bão Talim.
Theo thông báo của UBND huyện Cát Hải chiều 16/7, các tàu chở khách tham quan vịnh Lan Hạ, tàu nghỉ đêm phải về nơi tránh trú bão an toàn trước thời gian trên. Du khách nếu ở lại đảo phải tuân thủ quy định chống bão và được bố trí nơi lưu trú an toàn. Tính đến tối 16/7, khoảng 13.000 du khách đang ở trên đảo Cát Bà.
UBND huyện Cát Hải cũng yêu cầu Phòng Văn hóa thông tin thể thao và du lịch phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú khuyến cáo người dân và du khách không ra gần bờ biển, ngoài đường trong thời gian bão đổ bộ.
Cát Bà cho dừng hoạt động tham quan vịnh và tắm biển từ 12h ngày 17/7. Ảnh: Hoàng Mạnh
Căn cứ vào tình hình thực tế, huyện Cát Hải và Sở Giao thông vận tải sẽ tạm dừng hoạt động của phà Gót - Cái Viềng và điều tiết phương tiện giao thông qua cầu vượt biển Tân Vũ.
Tại Quảng Ninh, đến 16h ngày 16/7, còn gần 4.100 khách du lịch trên tuyến đảo thuộc huyện Cô Tô và Vân Đồn. Chính quyền địa phương tiếp tục di chuyển khách về đất liền. Đối với du khách có nhu cầu ở lại, Sở Du lịch và địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp hỗ trợ.
Riêng cầu Bãi Cháy sẽ tạm dừng cho người và phương tiện thô sơ, xe 2 bánh qua lại khi có gió trên cấp 6.
Chiều 16/7, bão Talim tăng thêm một cấp so với buổi sáng, dự báo vào khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình trong 48 giờ tới.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, lúc 16h, bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 510 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất 117 km/h, cấp 10-11, giật cấp 14. Đêm nay và ngày mai, bão theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/h và có khả năng mạnh thêm.
Đến 16h ngày 17/7, bão trên vùng biển tây bắc khu vực bắc Biển Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 410 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15.
Từ đêm mai, bão giữ hướng và tốc độ. Đến 16h ngày 18/7, bão trên khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình, sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. Bão sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu dần trên khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ.
Lê Tân