Khi không khí xuân tràn ngập các bàn làng, đồng bào Mông ở tỉnh Yên Bái chuẩn bị đón tết bằng những con lợn béo, đàn gà tự nuôi; gạo nếp tự trồng để giã bánh dày, gói bánh chưng, đồ xôi, nấu rượu...
Đối với đồng bào Mông, trong những ngày tết không thiếu bánh giày. Đồng bào Mông ở Yên Bái cũng vậy, họ quan niệm bánh giày tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Những ngày giáp Tết, các gia đình người Mông đồ xôi, giã bánh giày để cúng tổ tiên và trời đất.
Quan niệm truyền thống của họ càng đặc sắc khi coi ngôi nhà không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là nơi bảo vệ hồn lúa, hồn ngô; là nơi cúng ma nhà, là một điểm mốc để hồn ma tìm về với tổ tiên. Vì thế, đồng bào Mông càng coi trọng việc trang trí nhà cửa để đón Tết.
Vào ngày 30 tháng Chạp, người đàn ông chủ gia đình sẽ dán một tấm giấy bản có quệt tiết gà hoặc một tấm vải đỏ lên xà ngang của cửa chính. Cửa này đóng kín quanh năm, chỉ mở vào những dịp cúng lễ, đám ma hay đám cưới. Sau khi trang trí xong khu vực cửa chính, người dân thay mới toàn bộ vải đỏ hay giấy bản bôi tiết gà ở các vị trí còn lại khác trong nhà.
Bàn thờ trong gia đình người Mông là một chi tiết rất quan trọng nhưng cũng khá đơn sơ, chỉ là một tấm giấy bản dán lên tường ở vách hậu. Giấy có màu đỏ, vàng hoặc trắng, dán lên với mong muốn tượng trưng cho vàng, bạc tự đến nhà, gia chủ sẽ được no ấm, đủ đầy. Trên giấy bản có gắn vài túm lông gà trống.
Đêm giao thừa, các gia đình người Mông thường quây quần bên bếp lửa, chờ đợi khi tiếng gà đầu tiên gáy trong sáng sớm ngày mồng 1 để chào đón năm mới. Khi năm mới bắt đầu, người đàn ông chủ gia đình nhanh chóng đi về phía đầu nguồn nước trên núi thắp hương và đốt giấy bản tượng khẩn cầu Thần Nước ban phát nguồn nước dồi dào để sinh sống và phục vụ mùa màng tốt tươi; đồng thời lấy nước mới về làm cơm cúng tổ tiên, nấu bữa ăn đầu tiên trong năm mới. Người Mông cho rằng đó là nước vàng, nước bạc, lấy được càng sớm càng may mắn, năm mới sẽ mạnh khỏe, no ấm.
Lễ vật cúng tổ tiên năm mới của người Mông gồm 2 con gà trống. Một con được người đàn ông chủ gia đình ôm khấn cầu tổ tiên, rồi dùng con gà trống mở cửa nhà, thả con gà trong nhà để nó tự tìm về chuồng. Người Mông cho rằng, gà trống là vật thần, biết cất tiếng gáy gọi mặt trời lên; nó có thể phân biệt được tà ma, xua đuổi được những điều không may cho gia chủ. Khi dùng con gà trống mở cửa đón năm mới thì ma cửa cũng như con gà sẽ trông coi, bảo vệ gia súc, bảo vệ của cải, bảo vệ cho các thành viên trong gia đình và ngôi nhà của họ gặp điều may mắn quanh năm. Con gà còn lại sẽ được người chủ gia đình cắt tiết trước bàn thờ và nhổ 5 túm lông đẹp nhất ở cổ gà dán trên bàn thờ với hàm ý đã dâng tặng con gà cho thần linh và tổ tiên. Sau đó con gà được mổ và luộc bằng nước mới để tiếp tục làm lễ cúng chín, khấn mời tổ tiên về ăn tết và cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho năm mới.
Sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới, người đàn ông chủ gia đình phải thức dậy, bước qua ngưỡng cửa nhà trước để cầu may rồi tự nấu bữa cơm đầu năm mới để cúng gia tiên và cho lợn, gà, trâu bò ăn...
Tết cổ truyền của đồng bào Mông cũng có những điều không được làm. Sáng ngày đầu năm, người phụ nữ trong gia đình được dậy muộn nhưng không được đến nhà người khác hoặc nếu đến thì phải vào bằng cửa phụ. Người Mông kiêng không giẫm lên bếp lò, không để nước làm tắt lửa trong bếp, không nướng bánh giày để bị cháy, không ăn rau, không ăn cơm chan canh, không thổi lửa, không phơi quần áo ngoài sân trong 3 ngày tết. Có như vậy thì trong năm mùa màng mới tốt tươi, vật nuôi trong nhà sinh sôi phát triển, ruộng nương không bị ngập lụt, không có nhiều cỏ dại mọc... Người Mông cũng dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày trong dịp tết, xem như một sự tri ân những người bạn trong lao động, sản xuất. Ngày tết, người Mông cũng gác lại mọi lo toan của cuộc sống, vui chơi thoải mái để chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động sản xuất mới. Họ diện trang phục mới, chơi trò chơi truyền thống, ném còn, đánh gụ, đánh cầu tự chế bằng lông gà, trai gái hát “Cự xia”, “Lù tẩu”, múa khèn...
Đình Phong