Việt Nam - Điểm đến Du lịch hàng đầu thế giới

Việt Nam - dải đất hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương, đất nước mang trên mình phong cảnh “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” được vinh danh là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến tham quan, khám phá trải nghiệm, được truyền thông quốc tế bình chọn trao nhiều giải thưởng danh giá. Với lợi thế địa hình đa dạng, phong cảnh tự nhiên kỳ thú, bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới ấm áp với ánh nắng chan hòa, nhiều hoa tươi trái ngọt, ẩm thực phong phú, văn hóa đậm đà bản sắc, người dân hiếu khách, yêu hòa bình đã hình thành nên điểm đến du lịch Việt Nam được du khách ưa chuộng, yêu mến.

Biển Vĩnh Hòa

Điểm đến du lịch - Một vài khái niệm cơ bản 

Hoạt động du lịch đã hình thành từ xa xưa và ngày càng phát triển. Khách du lịch là người rời khỏi nơi cư trú của mình để đến nơi khác - một địa điểm cụ thể để thoả mãn nhu cầu theo mục đích chuyến đi. Trên phương diện địa lý, điểm đến du lịch được xác định theo phạm vi không gian lãnh thổ cụ thể mà khách du lịch đang thực hiện hành trình đến đó theo mục đích đã được xác định.

Điểm đến du lịch là một trong những khái niệm có phạm vi rộng và đa dạng, được dùng để chỉ một địa điểm có sức hút với tập hợp du khách; khác biệt với địa điểm xung quanh bởi tính hấp dẫn của tài nguyên du lịch, các hoạt động hoặc dịch vụ cung cấp cho du khách. Với khái niệm chung như vậy nên điểm đến du lịch tồn tại các yếu tố sơ cấp đặc thù (khí hậu, địa hình, sinh thái, dân tộc, truyền thống văn hóa, kiến thức bản địa…) cùng với các yếu tố thứ cấp như các nhà nghỉ, khách sạn, giao thông, phương tiện vận tải, khu vui chơi giải trí và hoạt động được quản lý như một hệ thống “mở”. Điểm đến du lịch có thể hiểu đơn giản là các công viên chủ đề, khu nghỉ dưỡng, làng du lịch cho chuyến đi trong ngày, kỳ nghỉ ngắn hoặc là một vùng đất, một tỉnh cho kỳ nghỉ lễ, lễ hội vài ngày hoặc một quốc gia, một châu lục cho chuyến du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá dài ngày.

Các điểm đến du lịch đều có đặc điểm chung sau đây: (1) Được thẩm định về giá trị, đặc biệt là các giá trị về văn hóa (hầu hết du khách cân nhắc điểm đến có đáng kể để đầu tư thời gian và tiền bạc đến viếng thăm hay không); (2) Tính đa dạng (các tiện nghi ở điểm đến du lịch thường phục vụ cho cả dân cư địa phương và khách tham quan); (3) Tính bổ trợ (hỗn hợp các yếu tố cấu thành điểm đến có mối quan hệ mật thiết với nhau, bổ trợ nhau để hình thành thương hiệu, giá trị của điểm đến du lịch).

Các yếu tố cấu thành điểm đến du lịch là tập hợp các tiện nghi và dịch vụ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của du khách, do vậy hầu hết các điểm đến bao gồm một hạt nhân cùng các yếu tố sau: (1) Điểm hấp dẫn du lịch (mang đặc điểm nhân tạo, tự nhiên hoặc là các sự kiện, lễ hội… để tạo nên động lực ban đầu thu hút khách); (2) Giao thông vận chuyển (là điểm căn bản cho sự thành công của các điểm đến; sự sáng tạo trong việc tổ chức giao thông du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận điểm đến, là yếu tố quan trọng thu hút khách lựa chọn điểm đến, tăng giá trị và hiệu quả của các hoạt động tại điểm đến); (3) Dịch vụ ăn nghỉ (các dịch vụ ăn uống, lưu trú của điểm đến không chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu mà còn tạo giá trị gia tăng về sự tiếp đãi nồng nhiệt, ấn tượng về ẩm thực, tri thức bản địa); (4) Các tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ (du khách thường có nhu cầu thêm về một loạt các tiện nghi, phương tiện và các dịch vụ hỗ trợ tại điểm đến du lịch như giải trí, vui chơi, người dẫn đường, thuyết minh viên… để có thêm trải nghiệm; các yếu tố này tạo thêm giá trị gia tăng cho điểm đến du lịch).

Theo Luật Du lịch 2017, tại Điều 3 (Giải thích từ ngữ) có quy định điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch; tại Điều 23 (Điều kiện công nhận điểm du lịch) có quy định về việc có tài nguyên (điểm hấp dẫn du lịch), có kết cấu hạ tầng và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Tại Điều 11 của Nghị định số 168/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện Luật Du lịch 2017 cũng có những điều khoản quy định về việc công nhận điểm du lịch. Những quy định pháp lý này được hiểu quy định về điểm đến du lịch ở cấp độ thấp nhất về phạm vi không gian địa lý (khu, điểm du lịch). Sự phát triển của khu, điểm du lịch gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của điểm đến du lịch. Các điểm đến du lịch cũng trải qua chu kỳ phát triển tương tự chu kỳ sống của sản phẩm du lịch và gắn liền với quá trình phát triển du lịch.

Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới

Việt Nam với các danh hiệu điểm đến du lịch được bình chọn

Việc bình chọn các điểm đến du lịch theo các tiêu chí khác nhau được các cơ quan truyền thông quốc tế thực hiện định kỳ với mục tiêu quảng bá cho các điểm đến, nhưng đồng thời cũng tác động mạnh mẽ đến định hướng cho dòng khách du lịch quốc tế để kết nối thị trường, cũng đồng thời là cơ sở để các điểm đến so sánh với nhau, tự điều chỉnh hoàn thiện để nâng hạng cạnh tranh.

Dưới góc độ uy tín bình chọn, các cơ quan càng có uy tín trong lĩnh vực du lịch thì việc thể hiện kết quả bình chọn càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia, doanh nghiệp và từ đó tác động tích cực đến sự lựa chọn của khách du lịch. Trong những năm gần đây, có nhiều cơ quan, tổ chức trong ngành du lịch cũng như các đơn vị báo chí, truyền hình tổ chức nhiều giải bình chọn các điểm đến du lịch ở góc độ liên quốc gia, châu lục hoặc toàn cầu Bên cạnh các xếp loại, đánh giá của UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới) về lĩnh vực thị trường, điểm đến của các quốc gia trên thế giới luôn làm cơ sở đánh giá cạnh tranh, giải thưởng của WTA dành cho các quốc gia, doanh nghiệp phân theo châu lục và toàn cầu luôn được xem là giải thưởng Oscar, giải thưởng danh giá bậc nhất trong lĩnh vực du lịch trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các giải thưởng của nhiều báo, tạp chí, kênh truyền hình truyền thống về lĩnh vực du lịch và có giá trị truyền thông cao luôn được xem xét là những giải thưởng mang lại sự khích lệ, cố gắng cao trong ngành du lịch. Các kênh truyền hình CNN, National Geographic…, các trang mạng Trip Advisor, Google…, Tạp chí Travel and Leisure, Rough Guides… các tờ báo có số bản phát hành lớn đều định kỳ tổ chức bình chọn các danh hiệu về điểm đến du lịch.

Việt Nam sau nhiều năm nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng cường thu hút khách quốc tế, tập trung đầu tư hình thành các điểm đến dần khẳng định thương hiệu và đẳng cấp so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2018, Du lịch Việt Nam đã ký 33 văn bản hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 04 văn bản hợp tác đa phương và 29 văn bản hợp tác song phương. Trên kết quả mở rộng hợp tác quốc tế, lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam cũng tăng nhanh. Từ năm 2011 đến nay, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 3 lần, chỉ riêng 3 năm từ 2015 - 2018 lượng khách du lịch quốc tế tăng gấp 2 lần. Bên cạnh tăng trưởng về số lượng, chất lượng hoạt động du lịch tại điểm đến Việt Nam cũng tăng trưởng tốt, khách du lịch đến từ hầu hết các thị trường đều gia tăng mức chi tiêu bình quân. Chỉ tính riêng 2 thị trường có nhiều khách quốc tế đến Việt Nam nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc (chiếm trên 70% lượng khách quốc tế) đều có mức chi tiêu tăng (Hàn Quốc có mức tăng 28,5% và Trung Quốc có mức tăng gần 10%). Tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ lần thứ 2 trở lên đạt 40,4%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh nhờ sự phát triển mạnh kết nối hàng không quốc tế. Hiện có 52 hãng hàng không quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam với nhiều đường bay thẳng nối các điểm đến ở Việt Nam với nhiều thị trường trọng điểm (đa phần là khách có khả năng chi tiêu cao), phục vụ khoảng 85% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam hàng năm.

Những năm gần đây, Du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng, nổi bật bao gồm: Ở góc độ quốc gia, năm 2018 và 2019, hai năm liền Việt Nam được WTA trao giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch Golf hàng đầu thế giới năm 2019”, “Điểm đến ẩm thực số một châu Á - Thái Bình Dương”.

Riêng năm 2019, Du lịch Việt Nam nhận được tổng số 145 giải thưởng danh giá nhất của WTA cho khu vực châu Á & châu Đại Dương, trong đó có nhiều giải thưởng về điểm đến du lịch, nhiều khu vui chơi giải trí, resort, khách sạn và spa của Việt Nam được WTA vinh danh ở hạng mục cấp quốc gia và khu vực như Hotel De La Coupole MGallery by Sofitel, FLC Halong Bay Golf Club & Luxury Resort, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, The Grand Ho Tram Strip,... Quần thể nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc nhận được nhiều giải thưởng WTA như Vinpearl Resort & Spa Phú Quốc giành cú đúp “Khu nghỉ dưỡng biển dành cho gia đình hàng đầu Việt Nam và châu Á”. Vinpearl Discovery 2 Phú Quốc và Vinpearl Resort & Golf Phú Quốc lần lượt được trao giải “Khu nghỉ dưỡng mới hàng đầu châu Á” và “Khu nghỉ dưỡng gia đình hàng đầu Việt Nam”.

Tạp chí Forbes (Mỹ) đưa Việt Nam vào top 14 điểm đến ấn tượng nhất của năm 2019. Trang CNN đã đưa ra danh sách những điểm đến du lịch tốt nhất châu Á năm 2019 và Việt Nam có tới 2 đại diện được lọt vào danh sách này là Hà Nội và Phú Quốc. Cùng những địa danh nổi tiếng khác trên thế giới như: Cầu cảng Sydney, Thánh địa Machu Picchu, Grand Canon, Dubai… thì ở Việt Nam, Thung lũng Bắc Sơn (Lạng Sơn) cũng là một trong 10 điểm đến du lịch tuyệt nhất thế giới do tạp chí nổi tiếng Rough Guides lấy kết quả bình chọn.

Hội An (Quảng Nam) đã vượt qua những đối thủ như Tokyo (Nhật Bản), Ubud (Indonesia)... để dẫn đầu cuộc bình chọn thành phố tuyệt vời nhất năm 2019 do Travel and Leisure tổ chức. Gần đây nhất, CNN cũng xướng tên Hội An trong top các thành thị đẹp nhất châu Á năm 2019. Nha Trang (Khánh Hòa) là một trong 50 điểm du lịch quan trọng trên thế giới do trang National Geographic bình chọn năm 2019. Cần Thơ là điểm đến du lịch trong 15 thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới do Tạp chí Departures của Mỹ bình chọn năm 2019. Vịnh Hạ Long được trang Mymodernmet.com của Mỹ xếp hạng thứ 4 trong danh sách 7 điểm đến có cảnh sắc non nước tuyệt đẹp trên thế giới; trang Buzz Feed của Mỹ bình chọn là 1 trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất thế giới; Agoda.com xếp hạng thứ 4 trong tốp 8 vùng lãnh thổ có không gian xanh đẹp nhất châu Á.

Việc phát huy giá trị thương hiệu điểm đến luôn gắn bó tổng thể với sự phát triển du lịch, từ khai thác giá trị tài nguyên du lịch, xây dựng sản phẩm, truyền thông quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển, sự tham gia của cộng đồng dân cư với bản sắc văn hóa truyền thống, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch… Với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và trên cơ sở những kết quả bước đầu đã được quốc tế ghi nhận, tin tưởng rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế cạnh tranh về du lịch, giữ vững vị trí là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á và khẳng định vị thế là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.

Bài viết đăng trên ấn phẩm "Travel & Destinations in Vietnam - Lữ hành và Điểm đến Việt Nam"

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam