Đồng hành cùng sự hình thành và phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh cả về số lượng và qui mô doanh nghiệp. Từ một doanh nghiệp trong thời kỳ đầu thành lập ngành Du lịch năm 1960, đến nay, Việt Nam đã có hơn 2.600 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành nội địa.
KHÁI QUÁT VỀ DOANH NGHIỆP KINH DOANH LỮ HÀNH
Đồng hành cùng sự hình thành và phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh cả về số lượng và qui mô doanh nghiệp. Từ một doanh nghiệp trong thời kỳ đầu thành lập ngành Du lịch năm 1960, đến nay, Việt Nam đã có hơn 2.600 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành nội địa. Chính sách, thể chế tạo nền tảng thúc đẩy du lịch phát triển đã được hình thành và đổi mới phù hợp với điều kiện và xu hướng phát triển du lịch thế giới. Pháp lệnh Du lịch năm 1999, Luật Du lịch năm 2005, Luật Du lịch năm 2017 được Quốc hội thông qua để điều chỉnh các quan hệ du lịch ở tầm cao, khẳng định vai trò, vị thế của ngành Du lịch và thể chế hóa đường lối phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch nói chung, hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nói riêng phát triển đi vào nề nếp và có định hướng, mục tiêu rõ ràng.
Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du lịch như Luật xuất, nhập cảnh, cư trú, đi lại cho người Việt Nam; cho người nước ngoài và các văn bản liên quan khác được bổ sung; thủ tục hải quan được cải tiến thuận tiện hơn cho khách và các nhà đầu tư. Việc miễn thị thực song phương cho công dân các nước ASEAN và đơn phương cho công dân Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Bắc Âu, Tây Âu, Nga và một số thị trường trọng điểm khác đã giúp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành chủ động, tích cực thu hút khách và các nhà đầu tư.
Lực lượng kinh doanh dịch vụ lữ hành cả quốc tế và nội địa phát triển mạnh, thích nghi với điều kiện và môi trường kinh doanh, làm ăn có hiệu quả. Trước Đại hội Đảng lần thứ IX, trong kinh doanh lữ hành chỉ có doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài được phép hoạt động. Đến nay, hoạt động kinh doanh lữ hành có sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, các doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và nhiều nhất là các doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn. Theo qui định của Luật Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành gồm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được chia theo phạm vi kinh doanh gồm: doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài, đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tăng dần hàng năm với tốc độ tăng trưởng dao động trong khoảng 7% - 9%.
Trong số các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, có 65,7% doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn; 32,6% doanh nghiệp cổ phần; 0,8% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; xấp xỉ 0,3% doanh nghiệp có vốn nhà nước và 0,6% doanh nghiệp tư nhân.
Sự biến động của các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phần lớn diễn ra ở nhóm các doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, số lượng doanh nghiệp nhà nước theo quá trình cổ phần hóa đã giảm và chỉ còn lại rất ít, số lượng doanh nghiệp có vốn nước ngoài duy trì ổn định, không biến động trong 5 năm liền. Ngoài quyền kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, căn cứ nhu cầu, khả năng của doanh nghiệp, hiện tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được quyền đăng ký phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế gồm inbound hoặc outbound hoặc cả inbound và outbound. Hiện nay, trong số hơn 2.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, có 55,2% tổng số doanh nghiệp chỉ đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành inbound và còn lại 44,8% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành cả inbound và outbound.
Trong số các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao 84,4%, các doanh nghiệp vừa chiếm 12% và còn lại là các doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ trọng 3,6%. Trong số các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 57% số doanh nghiệp chỉ đăng ký kinh doanh inbound và 43% doanh nghiệp đăng ký kinh doanh cả inbound và outbound. Tỷ lệ này giảm lần lượt ở các doanh nghiệp vừa và các doanh nghiệp lớn. Theo đó, có đến 53% doanh nghiệp vừa và 60% doanh nghiệp lớn đăng ký kinh doanh cả inbound và outbound.
Các quy định mới trong Luật Du lịch, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Môi trường kinh doanh càng ngày càng được cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA DOANH NGHIỆP KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH
Triển khai Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch và Chương trình Xúc tiến Du lịch quốc gia, những năm qua, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, với các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tăng cường sức hấp dẫn cho điểm đến Việt Nam, góp phần tăng sức cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động của Tổng cục Du lịch, đặc biệt là hoạt động khảo sát xây dựng sản phẩm, hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến, các hội nghị, hội thảo góp ý kiến cho các nhà quản lý du lịch ở trung ương và địa phương về định hướng phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, về phát triển thương hiệu điểm đến và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp tại các điểm đến... Cùng với các hoạt động này, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã xây dựng cho doanh nghiệp mình các tour mới hấp dẫn, củng cố mạng lưới doanh nghiệp đối tác để giúp duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh lữ hành. Các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành giúp cơ quan quản lý du lịch ở địa phương có cái nhìn toàn diện hơn về tiềm năng du lịch, về hiện trạng đầu tư, khai thác các điểm du lịch của địa phương để từ đó có các giải pháp đầu tư, quản lý phát triển du lịch hiệu quả trên địa bàn.
Hằng năm, hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành tham gia vào các hoạt động truyền thông thương hiệu, xúc tiến quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam đến thị trường trong và ngoài nước như các hội chợ quốc tế trong và ngoài nước, các chương trình hội thảo giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường nguồn... để giới thiệu sản phẩm, hình ảnh, tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng thị trường của doanh nghiệp.
Bên cạnh các thị trường truyền thống, có lịch sử quan hệ ngoại giao, hợp tác phát triển kinh tế lâu đời với Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế không ngừng tìm kiếm, mở rộng quan hệ trao đổi khách du lịch với các thị trường mới, thị trường xa. Có nhiều thị trường, nhờ sự hợp tác phát triển du lịch đã kéo gần quan hệ ngoại giao và hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội với Việt Nam. Có thể nói, thị trường du lịch của Việt Nam càng ngày càng phát triển cả về chất và lượng là nhờ sự đóng góp, nỗ lực của đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Nhằm thu hút khách du lịch đến Việt Nam, ngành Du lịch đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu du lịch Việt Nam với những những hoạt động phong phú, những dịch vụ hấp dẫn… Tất cả những chương trình này đều có sự tham gia tích cực và hiệu quả của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, góp phần tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và sự khẳng định thương hiệu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cả qui mô lớn, vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ đều chủ động tìm kiếm thị trường mới, không ngừng duy trì nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, sẵn sàng hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng Du lịch Việt Nam cho các doanh nghiệp tiêu biểu, có đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Du lịch cũng như cho cộng đồng xã hội.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học công nghệ, sự phong phú của các hình thức kinh doanh, càng ngày tỷ lệ khách du lịch đi du lịch tự do, không qua các doanh nghiệp lữ hành ngày càng tăng. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế do các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đón và phục vụ vẫn gia tăng hàng năm. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam do 10 doanh nghiệp được trao giải doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế hàng đầu (hạng mục inbound) đón hàng năm luôn dao động trong khoảng 10% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các doanh nghiệp khác mặc dù đón lượng khách không lớn nhưng hầu hết đều có các đối tác thường xuyên, trung thành ở cả các thị trường trọng điểm và các thị trường “ngách”, thị trường xa, tạo nên sự cân bằng giữa các thị trường, không quá phụ thuộc vào một hoặc vài thị trường trọng điểm, góp phần ổn định lượng khách, giảm thiểu tác hại khi có khủng hoảng từ thị trường trọng điểm.
Trong lĩnh vực lữ hành, Giải thưởng vinh danh 10 Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế hàng đầu đón khách du lịch vào Việt Nam (inbound), 10 Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế hàng đầu đưa khách du lịch ra nước ngoài (outbound), 10 Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hàng đầu Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã giữ vững thương hiệu và duy trì danh hiệu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hàng đầu trong nhiều năm như: Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành, Công ty TNHH JTB-TNT, Công ty TNHH Du lịch H.I.S Sông Hàn Việt Nam, Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội, Công ty CP Lữ hành HG, Công ty CP Du lịch Hòa Bình Việt Nam, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Á Đông Vidotour, Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam, Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, Công ty Lữ hành Hanoitourist, Công ty CP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn, Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Việt, Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitour…
NHỮNG THUẬN LỢI TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH LỮ HÀNH
Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, du lịch nói chung và kinh doanh dịch vụ lữ hành nói riêng đang được tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển. Đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và hành động của Chính phủ đều dành sự quan tâm, hỗ trợ tối đa cho ngành Du lịch. Đây là cơ hội để Du lịch Việt Nam bứt phá, phát triển toàn diện từ cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành, sản phẩm, thị trường, nhân lực và quảng bá. Điều này đã giúp toàn ngành Du lịch nói chung, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nói riêng khởi sắc, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Xu thế phát triển của thị trường khách du lịch toàn cầu, sự ra đời của các loại hình sản phẩm du lịch mới, thị hiếu của khách du lịch thế giới… hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng tạo cơ hội lớn cho kinh doanh dịch vụ lữ hành của Việt Nam.
Sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan quản lý du lịch các cấp không chỉ giúp các doanh nghiệp có môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh mà còn hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân lực, mở rộng thị trường, liên kết phát triển sản phẩm, tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác công tư… Sự phát triển của khoa học công nghệ cũng mang lại cơ hội lớn cho kinh doanh lữ hành. Thông qua mạng thông tin toàn cầu, các trang thông tin xã hội… các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác, tiếp cận thị trường khách, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của doanh nghiệp đến khách hàng trên toàn thế giới một cách nhanh chóng, thuận tiện và chi phí thấp. Công nghệ và các ứng dụng khoa học công nghệ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Mặc dù vậy, bên cạnh cơ hội đem lại, xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế còn tạo ra nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải luôn nỗ lực, sáng tạo, năng động hơn để không chỉ bắt kịp mà còn vươn xa, khẳng định thương hiệu du lịch trên trường quốc tế.
NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH LỮ HÀNH
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động kinh doanh lữ hành còn gặp những khó khăn như: các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, tiềm lực còn hạn chế nên gặp khó khăn trong cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường trong nước; việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành còn một số vấn đề cần được cải thiện; thương mại điện tử cũng gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khi các sản phẩm dịch vụ lữ hành dễ bị sao chép, việc khó kiểm soát chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách của các đơn vị sao chép sản phẩm so với sản phẩm gốc dễ dẫn đến mất uy tín của du lịch Việt Nam nói chung; nhân lực ngành Du lịch nói chung và nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành nói riêng còn hạn chế về kinh nghiệm và kỹ năng…
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH DOANH LỮ HÀNH
Để thực hiện công tác quản lý nhà nước về lữ hành, Tổng cục Du lịch đã xây dựng trang website quản lý lữ hành (quanlyluhanh.vn) - cổng thông tin chính thống về chính sách, thủ tục hành chính trong lĩnh vực lữ hành và công khai danh sách doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Việc công khai danh sách doanh nghiệp lữ hành quốc tế được cấp phép giúp cho khách du lịch lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có uy tín, đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch. Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý nhà nước phù hợp với tình hình mới, thích ứng với sự đa dạng, phức tạp trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đã phối hợp với các cơ quan liên quan đề ra các biện pháp, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Bài viết đăng trên ấn phẩm "Travel & Destinations in Vietnam - Lữ hành và Điểm đến Việt Nam"