Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng - an ninh. Với nguồn tài nguyên phong phú, khí hậu ôn hòa, văn hóa bản địa đặc sắc, con người thân thiện, mến khách... Gia Lai đã và đang trở thành một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển đặc biệt là du lịch.Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng - an ninh. Với nguồn tài nguyên phong phú, khí hậu ôn hòa, văn hóa bản địa đặc sắc, con người thân thiện, mến khách... Gia Lai đã và đang trở thành một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển đặc biệt là du lịch.
Danh lam thắng cảnh
Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho mảnh đất Gia Lai tiềm năng du lịch sinh thái phong phú với những khu rừng nguyên sinh có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, những dòng sông quanh co chảy xiết và những hồ nước mênh mông phẳng lặng. Vùng đất này còn được tô điểm thêm bởi những cánh rừng cao su, đồi chè, cà phê bạt ngàn và những công trình thủy điện quốc gia được mệnh danh là kỳ tích trên cao nguyên đất đỏ.
Biển Hồ
Biển Hồ nằm ở phía Tây Bắc thành phố Pleiku, cách trung tâm thành phố khoảng 7km theo quốc lộ 14. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Biển Hồ được tổ chức kỷ lục Việt Nam tôn vinh là một trong 5 hồ nước đẹp nhất và được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng Di tích danh thắng vào ngày 16/11/1988. Biển Hồ nguyên là một miệng núi lửa ngừng hoạt động đã hàng trăm triệu năm. Hồ có hình bầu dục, có độ sâu từ 20 - 40m, diện tích chừng 230ha, nước hồ quanh năm đầy ắp, xanh trong. Nguồn lợi tự nhiên mà Biển Hồ mang lại vô cùng to lớn và quan trọng, nhất là đối với vùng cao nguyên ở độ cao gần 1.000m so với mặt biển. Đây không chỉ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt mà còn cung cấp cho nhân dân trong vùng hàng trăm tấn tôm, cá… mỗi năm. Biển Hồ xứng đáng là viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên, là danh thắng không thể bỏ qua khi đến Pleiku.
Biển Hồ - Viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ
Quảng trường Đại Đoàn Kết Pleiku
Nằm trên đường Trần Hưng Đạo, tiếp giáp 3 con đường Lê Lợi, Anh hùng Núp và Lý Tự Trọng với khuôn viên rộng 12ha, Quảng trường Đại Đoàn Kết là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử và nhân văn. Đây là địa điểm tổ chức các sự kiện quan trọng của tỉnh, là địa điểm vui chơi hàng ngày của nhân dân. Công trình được công nhận đạt 3 kỷ lục Việt Nam là tượng đài Bác Hồ lớn nhất Việt Nam, bức phù điêu bằng đá lớn nhất Việt Nam và giàn cồng chiêng bằng đồng lớn nhất Việt Nam.
Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG
Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG thuộc xã Chư Hdrông, thành phố Pleiku. Học viện nằm trên quốc lộ 14 cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 12km về phía Nam. Được thành lập từ năm 2007, đến nay học viện đã đào tạo ra nhiều cầu thủ tài năng, trở thành trụ cột cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Đây là địa điểm tham quan yêu thích của du khách và người hâm mộ bóng đá.
Công viên Văn hóa Đồng Xanh
Từ trung tâm phố núi Pleiku, dọc theo quốc lộ 19 khoảng 10km là du khách đã đến với Công viên Văn hóa Đồng Xanh. Với diện tích khoảng 8ha, Công viên Văn hóa Đồng Xanh nằm trải dài trên cánh đồng lúa nước An Phú. Khi đến với Công viên Văn hóa Đồng Xanh, điều đầu tiên mà du khách nhìn thấy là tượng hai chú voi làm bằng đá - tượng trưng cho vùng đất Tây Nguyên. Đi tiếp vào bên trong, du khách sẽ bắt gặp một hệ thống nhà nghỉ bungalow được xây dựng bên hồ cá, vườn hoa để phục vụ du khách có nhu cầu ở lại qua đêm. Trong khuôn viên công viên còn có nhiều công trình khác như: công viên nước và hồ tạo sóng đầu tiên ở Tây Nguyên, hồ sen với những hòn non bộ được xếp đặt rất đẹp, khu vườn với nhiều chim muông, muôn thú. Đặc biệt, đi giữa khu Đồng Xanh đầy kỳ hoa dị thảo này, du khách còn được chiêm ngưỡng cây cổ thụ hóa thạch hơn 1 triệu năm tuổi lớn nhất Việt Nam, được tham quan bức tượng Vua Nước (Pơ Tau Ia) và một số công trình kiến trúc khác mang đậm màu sắc Tây Nguyên. Bên cạnh những công trình mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên, Công viên Văn hóa Đồng Xanh cũng được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình văn hóa tâm linh hướng về cội nguồn.
Núi lửa Chư Đang Ya
Núi lửa Chư Đang Ya thuộc địa phận làng Ia gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh. Đây là ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, miệng núi lửa có hình phễu. Núi lửa Chư Đang Ya ẩn mình giữa bốn bề núi non trùng điệp, âm thầm, lặng lẽ nhưng tràn đầy sức sống. Dấu tích của nham thạch qua hàng triệu năm để lại cho Chư Đang Ya là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, trù phú. Tạo điểm nhấn cho ngọn núi là sự hòa quyện của những loài hoa, cỏ dại và mỗi mùa, ngọn núi sẽ có những nét đẹp riêng. Vào mùa mưa, Chư Đang Ya được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng. Đến mùa khô, hàng vạn đóa dã quỳ bung nở trên sườn núi làm mê mẩn lòng người. Từ đây đi thêm khoảng 3km nữa du khách sẽ đến xã Tân Sơn (thành phố Pleiku) để thưởng thức món gà nướng đã trở thành thương hiệu đặc trưng của vùng đất này.
Núi lửa Chư Đang Ya hùng vỹ
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng
Nằm giữa khu rừng nguyên sinh trong vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được đánh giá có diện tích rừng che phủ xấp xỉ 99%, có giá trị đặc biệt về khoa học với hệ sinh thái đa dạng, quý hiếm với 546 loại thực vật bậc cao, trong đó có 18 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và 7 loài được ghi trong Sách Đỏ thế giới. Cùng với sự đa dạng về hệ sinh thái vùng nhiệt đới, Kon Chư Răng còn được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ. Hệ thống thác nước tại đây được xếp vào bậc nhất quốc gia, trong đó có 12 ngọn thác có độ cao từ 10m trở lên. Với những tiềm năng và lợi thế của cảnh quan và hệ sinh thái, Kon Chư Răng có thể phát triển nhiều loại hình tiềm năng về du lịch, nhất là du lịch sinh thái.
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích 41.780ha nằm về phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 50km. Đây là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, rất thích hợp với du khách có nhu cầu nghỉ ngơi, an dưỡng và nghiên cứu khoa học. Với tổng diện tích khoảng gần 42.000ha, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là nơi duy nhất ở Việt Nam có kiểu rừng hỗn giao bao gồm các loài cây lá rộng và lá kim. Ngoài ra, còn có các loài cây quý hiếm như pơ-mu, trắc, chò đãi, kim giao... Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vùng hiện có trên 652 loài thực vật (trong đó, khoảng 110 loài có thể dùng làm dược liệu), 42 loài thú, 160 loài chim, hơn 51 loài bò sát, ếch nhái và gần 210 loài bướm. Đặc biệt, Kon Ka Kinh còn là nơi cư ngụ của nhiều loài thú quý hiếm, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ, đặc biệt là loài voọc chà vá chân xám - một trong những loài linh trưởng đẹp nhất thế giới.
Di tích lịch sử - văn hóa
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất Gia Lai vẫn giữ cho mình một nền văn hóa truyền thống đặc trưng với những di tích lịch sử mang đậm dấu ấn của một vùng đất anh hùng như: Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo, Khu di tích căn cứ địa cách mạng Khu 10, Nhà tù Pleiku, thung lũng Ia Đrăng...
Chùa Minh Thành
Chùa Minh Thành là một quần thể kiến trúc Phật giáo rộng lớn tọa lạc trên ngọn đồi thoai thoải ở phía Tây Nam của thành phố. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Tây Nguyên. Nó không chỉ là niềm tự hào của người dân phố núi mà còn là địa điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến đây. Bên trong chánh điện là bàn thờ Phật dài 6m và cao 1,2m. Bốn pho tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt với chiều cao 8m, bề ngang 3,5m được đặt ở 4 góc của chánh điện. Các tượng Phật được bài trí áp vách với hơn 3.000 bức tượng. Đặc biệt có 18 bức tượng La Hán được làm hoàn toàn từ gỗ mít, mỗi bức tượng cao 1,3m nặng gần 300kg, tất cả đều được sơn vàng rất hài hòa và đẹp mắt. Với kiến trúc độc đáo, vẻ đẹp uy nghiêm, hằng năm, chùa Minh Thành đón hàng nghìn lượt khách tham quan và dâng hương. Trong nắng chiều vàng nhạt nơi phố núi mờ sương, tiếng chuông chùa văng vẳng xa xăm, đem đến sự bình an cho tâm hồn của du khách khi chiêm bái, vãn cảnh chùa.
Linh thiêng chùa Minh Thành
Chùa cổ Bửu Minh
Tọa lạc tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 13km về phía Bắc, chùa Bửu Minh là một trong những ngôi chùa lâu đời tại Gia Lai. Sau nhiều lần trùng tu đến nay chùa Bửu Minh có kiến trúc hiện đại, kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc miền Bắc, miền Trung và kiểu dáng chùa Nhật Bản. Chùa có một số di vật quý như tượng Phật Chăm Pa bằng sa thạch cùng nhiều tượng, chuông, mõ quý. Chùa tọa lạc trong không gian xanh mát, giữa bao la đồi chè, hàng thông trăm tuổi, trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách.
Làng kháng chiến Stơr
Làng kháng chiến Stơr (quê hương anh hùng Núp) nằm trên địa bàn xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Làng Stơr và anh hùng Núp đã thực sự trở thành biểu tượng của "Đất nước đứng lên" mà tiếng vang còn vọng đến tận Tây Bán cầu. Cuộc đời cách mạng anh hùng Núp đã trở thành thiên anh hùng ca bất tử. Ông là người Tây Nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, là người được bạn bè quốc tế mến phục. Ngày 23/3/1993, Làng Kháng chiến Stơr đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa.
Nhà tù Pleiku
Nhà tù Pleiku nằm trên đường Thống Nhất thuộc phường Ia Kring, là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ (trước 1975), được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994. Trong 50 năm tồn tại, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã thực thi tại đây một chính sách đàn áp và diệt tù man rợ. Nhưng bất chấp tất cả, lý tưởng cộng sản vẫn âm ỉ cháy rồi bùng lên để một chi bộ, một liên chi rồi một Đảng bộ ra đời. Tổ chức Đảng trong nhà lao không những đủ sức tập hợp lãnh đạo phong trào đấu tranh trong nhà lao mà còn ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng bên ngoài. Nơi đây đã thành một điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.
Nhà tù Pleiku - Chứng tích lịch sử ghi lại tội ác của thực dân Pháp
Lễ hội Gia Lai
Gia Lai là cái nôi của nền văn hóa bản địa Jrai, Bahnar với những lễ hội kỳ bí, linh thiêng trong không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nét văn hóa tâm linh lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số đã làm nên sự hấp dẫn của vùng đất đỏ bazan khiến ai cũng mong một lần được đến và trải nghiệm.
Lễ cúng nhà rông
Sau một năm với những vụ mì (sắn), vụ lúa đã được thu hoạch tươm tất thì người Jrai bàn bạc nhau chuẩn bị những ghè rượu cần thật thơm ngon, cùng những lễ vật như: trâu, heo, gà... để hiến tế, tạ ơn thần linh trong Lễ hội cúng Thần nhà rông. Khi tiếng chiêng báo hiệu cất lên, tất cả mọi người trong làng từ già, trẻ, gái, trai đều tập trung về khu vực nhà rông của làng. Lúc này, hàng trăm ghè rượu cần của các gia đình đều được xếp thành từng cặp đối xứng nhau kéo dài từ đầu nhà rông đến cuối nhà. Riêng ghè rượu (ghè Yàng) cao nhất, to nhất được đặt giữa nhà để bỏ tim, gan và một ít máu của linh vật dùng để hiến tế các vị thần. Cúng Thần nhà rông là lễ hội không thể thiếu hằng năm của làng, thể hiện lòng biết ơn của làng đối với Yàng, với thần linh đã phù hộ, che chở cho dân làng.
Lễ cúng nhà rông
Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya
Hằng năm, vào đầu tháng 11, Gia Lai lại tổ chức Lễ hội hoa dã qùy - núi lửa Chư Đang Ya. Tại lễ hội, du khách sẽ được giao lưu, tìm hiểu các hoạt động đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, thưởng thức trình diễn cồng chiêng, ẩm thực và thưởng lãm hoa dã quỳ nở vàng rực cả đồi núi.
Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya
Lễ bỏ mả (Pơ thi)
Theo quan niệm của các dân tộc Tây Nguyên, sau khi người ta chết đi, linh hồn vẫn còn quanh quất đâu đó, giữa người chết và người sống vẫn còn mối quan hệ ràng buộc. Chỉ sau khi làm Lễ bỏ mả thì mối quan hệ ràng buộc này mới chấm dứt, người chết hoàn toàn yên nghỉ và chờ đầu thai, còn người sống thì yên tâm lo cho cuộc sống riêng mình, được quyền lấy vợ, lấy chồng khác. Với ý nghĩa như vậy, Lễ bỏ mả là một lễ hội lớn và náo nhiệt của người Tây Nguyên.
Làng nghề truyền thống
Làng nghề dệt thổ cẩm Glar - Đak Đoa
Từ nhiều năm nay, xã Glar thuộc huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai vẫn còn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc của người Bahnar trên địa bàn, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa mới trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở các buôn làng. Đặc trưng nhất là nghề dệt thổ cẩm được duy trì và phát triển mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị. Sản phẩm chủ yếu là khố, áo nam, váy nữ, túi, ví... Chất lượng sản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng, từng đường nét hoa văn cho đến độ mịn, phối màu đều đặc sắc và hấp dẫn. Du khách có thể mua các sản phẩm về làm quà cho người thân, bạn bè nếu có dịp đến đây.
Nghề chế tác nhạc cụ làng Jut
Làng Jut thuộc xã Ia Der, huyện Ia Grai, cách thành phố Pleiku 5km. Người dân nơi đây sinh sống bằng nhiều nghề, trong đó nổi bật là nghề chế tác nhạc cụ bằng các nguyên liệu từ thiên nhiên như tre nứa, bầu khô mang đậm nét văn hóa đặc trưng. Từ ngàn xưa, Tây Nguyên đã là cái nôi nghệ thuật lớn từ khí nhạc tới thang âm. Âm nhạc Tây Nguyên sinh ra từ lao động, từ những âm thanh gần gũi thường ngày nên dễ dàng đi vào tâm hồn người thưởng thức như tingning (đàn goong), brô amo (kní), glơng glơh (tơ rưng), krông pút… Mỗi loại nhạc cụ phù hợp với những bài nhạc khác nhau, sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn khi sử dụng âm nhạc “nói” về người anh hùng phải hào hùng dồn dập, âm nhạc trong Lễ pơ thi phải chậm và buồn, nói về nỗi nhớ nhung phải thổn thức, khắc khoải… Mỗi loại mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên thu hút du khách đến vùng phố núi Pleiku hoang sơ.
Làng nghề đan lát Thơm Ngung
Cách thành phố Pleiku gần 40km, làng Ngâm Thung thuộc xã Ia Pêt, huyện Đak Đoa có nhiều tiềm năng, thế mạnh về nghề truyền thống đang được các nghệ nhân và đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy. Người dân nơi đây chuyên sản xuất các sản phẩm chính là những chiếc gùi thể loại, kích cỡ khác nhau tùy theo đơn đặt hàng của khách, giá trung bình dao động từ 120.000 đồng/chiếc đến 160.000 đồng/chiếc. Đặc biệt, những chiếc gùi hai lớp rất độc đáo, được trang trí hoa văn rất đẹp mắt với nhiều màu sắc khác nhau. Phần lớn nguyên liệu chính để làm gùi có tại chỗ như mây, lồ ô… tạo ra các sản phẩm tự nhiên, mang nét đặc trưng vùng miền nhằm giới thiệu văn hóa của dân tộc ra bạn bè năm châu.
Làng nghề dệt Thơm Ngung
Ẩm thực
Ẩm thực đang trở thành “đại sứ”, góp phần định vị thương hiệu cho Du lịch Gia Lai. Món ngon Gia Lai đã được một số tổ chức uy tín vinh danh minh chứng cho sự phong phú, độc đáo của ẩm thực địa phương. Món phở khô (phở 2 tô) được Tổ chức Kỷ lục châu Á bình chọn là món ăn đạt tiêu chí giá trị ẩm thực châu Á, mật ong lọt top 10 đặc sản làm quà tặng nổi tiếng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn. Cùng với đó là những món ăn gắn liền với các dân tộc bản địa sống lâu đời ở Gia Lai, làm nên một phần bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo như: gà nướng, cơm lam, đọt măng, lá mì, cà đắng, bò một nắng, muối kiến vàng…, đã chinh phục khẩu vị của du khách khi khám phá vùng đất này.
Gà nướng - cơm lam đặc sản của vùng đất Gia Lai
Với những tiềm năng, thế mạnh du lịch như trên, Gia Lai đang phấn đấu xây dựng thương hiệu “Du lịch khám phá thiên nhiên, văn hóa”, đưa Gia Lai trở thành một trong những trung tâm du lịch trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.