Kon Tum - Điểm nhấn trên con đường xanh Tây Nguyên

Vùng đất “ngã ba Đông Dương” Kon Tum được biết đến như một điểm đến hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ cùng các địa danh, các di tích nổi tiếng đã đi vào lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Sức hấp dẫn của Kon Tum còn được tạo nên bởi nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây. Với tiềm năng đa dạng, phong phú, Kon Tum đang nỗ lực phát triển du lịch để trở thành điểm đến không thể thiếu trên cung đường khám phá Tây Nguyên của du khách trong và ngoài nước.

Danh lam thắng cảnh

Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh đẹp, trong đó có Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen đã được quy hoạch là khu du lịch quốc gia; Vườn quốc gia Chư Mom Ray với hệ sinh thái đa dạng và độc đáo; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có loại sâm quý được ghi vào sách Đỏ...

Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Măng Đen

Nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mặt biển, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 18 - 20ºC, Măng Đen được ví như “nàng sơn nữ của Tây Nguyên”. Bao quanh Măng Đen là những cánh rừng bạt ngàn với hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Ngoài ra, Măng Đen còn có nhiều hồ nước trong xanh như: Toong Zơri, Toong Pô, Toong Đam... và nhiều thác nước còn nguyên vẻ hoang sơ như: Paish, Dakke, Lô Ba. Đến đây, du khách có thể du thuyền trên hồ ngắm phong cảnh thơ mộng, câu cá, tắm thác hay ghé nhà rông bên hồ để hòa mình vào vũ điệu cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng, Hrê. Với tiềm năng phong phú và đa dạng, Măng Đen là một trong 3 khu vực phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh Kon Tum. Khu vực này đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành khu du lịch quốc gia với 11 cụm, điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hấp dẫn, phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Khu Du lịch sinh thái Măng đen

Vườn quốc gia Chư Mom Ray

Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm trên địa phận 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cách thành phố Kon Tum khoảng 30km về phía Tây Bắc, có diện tích trên 56.000ha. Vườn quốc gia Chư Mom Ray có tính đa dạng sinh học cao nhất trong hệ thống các vườn quốc gia trên cả nước, là vườn duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với 2 nước Lào và Campuchia. Theo thống kê, Vườn quốc gia Chư Mom Ray có gần 1.500 loài thực vật thuộc 154 họ và 551 chi, trong đó có 131 loài được xác định là quý hiếm. Với đặc điểm đa dạng sinh học cao và có nhiều nguồn gen quý, năm 2004, Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Di sản ASEAN. Đến với Chư Mom Ray, du khách có dịp được khám phá nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tham quan một số địa danh du lịch hấp dẫn như: đường Trường Sơn, Di tích Chư Tan Kra, địa danh H67 - căn cứ địa của bộ đội Tây Nguyên anh dũng với những trận đánh ác liệt tại điểm cao 1015 (Charlie); điểm cao 1049 (Delta);… tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc nơi đây.

Làng văn hóa Kon K'Tu

Nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng, làng Kon K'Tu của người Bahnar thuộc xã Đăk Rơ Wa được xem là làng cổ trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện nay. Đây được xem là điểm nhấn của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với hàng chục nhà sàn, có kiến trúc đặc hữu của người dân tộc Ba Na, vây quanh bên ngôi nhà rông truyền thống. Cùng với đó là các phong tục, tập quán, những điệu múa xoang, cùng giàn cồng chiêng âm vang tạo nên không gian văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Kon K'Tu vẫn giữ vững nét văn hóa cho riêng mình. Người dân nơi đây hàng ngày vẫn lên rừng làm nương, săn con mang, con dúi, phụ nữ trong làng thì dệt vải, đan gùi. Ghé thăm làng văn hóa Kon K'Tu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng mái nhà rông cao vút, thưởng thức chén rượu cần thơm nồng và tham gia các hoạt động văn hóa của người dân.

Hoàng hôn trên sông Đăk Bla thơ mộng

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Nổi bật trong tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Kon Tum là lợi thế từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y - một địa điểm trung chuyển quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông Tây. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có vị trí rất thuận lợi đối với sự giao lưu phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và giao lưu quốc tế. Nơi đây giáp ranh với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, vương quốc Campuchia và là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất nối các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào. Đây là điều kiện thuận lợi để Kon Tum phát huy tối đa tiềm lực du lịch, mở rộng hành trình con đường di sản miền Trung và Tây Nguyên.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh

Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh thuộc địa phận 2 huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, cách thành phố Kon Tum khoảng 150km về phía Bắc. Nơi đây không chỉ có bầu không khí trong lành, mát mẻ mà còn có hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, trong đó có cây sâm Ngọc Linh quý hiếm. Với những ưu thế đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách đến tham quan.

Di tích lịch sử - văn hóa

Kon Tum là vùng đất có lịch sử lâu đời và truyền thống cách mạng hào hùng với các di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Di tích lịch sử ngục Kon Tum, Di tích lịch sử ngục Đăk Glei, Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, Di tích chiến thắng Plei Cần... Những di tích này hiện đang được tôn tạo, bảo tồn giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh, văn hóa của các dân tộc sinh sống trên vùng đất này.

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Nhà thờ gỗ Kon Tum nằm trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Bahnar (được hoàn thành năm 1918). Nhà thờ tọa lạc trên một diện tích rộng với nhiều công trình liên hoàn khép kín: nhà thờ - nhà tiếp khách - nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo - nhà rông. Đứng từ xa, du khách có thể thấy tháp chuông nhà thờ cao sừng sững trên nền trời. Bên trong, cột và các giàn gỗ được lắp ghép khít khao. Trần nhà xây dựng bởi rui, mè tre, đất và rơm. Cung thánh nhà thờ được trang trí theo hoa văn các dân tộc ít người Tây Nguyên trang nghiêm và gần gũi. Nhà thờ gỗ Kon Tum ngoài giá trị về mặt kiến trúc văn hóa còn là nơi hấp dẫn du khách bởi các yếu tố nhân văn.

Di tích lịch sử ngục Đắk Glei

Nằm cách thành phố Kon Tum khoảng chừng 150km về phía Bắc, theo đường Hồ Chí Minh đến huyện Đăk Glei du khách sẽ đến ngục Đăk Glei. Nằm dưới chân núi Ngọc Linh, ngục Đắk Glei do thực dân Pháp xây dựng năm 1932 để giam giữ các chiến sỹ cách mạng trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng tám năm 1945. Ngục Đắk Glei được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Khu Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 30/12/1991. Đến tham quan khu di tích, du khách như thấy lại được tinh thần và ý chí cách mạng quật cường của những chiến sỹ cộng sản bị giam giữ, tù đày tại các nhà lao, nhà ngục của thực dân đế quốc.

Di tích lịch sử nhà ngục Kon Tum

Nằm cuối đường Trương Quang Trọng, thành phố Kon Tum, ngục Kon Tum được xây dựng từ nằm 1905, là nơi thực dân Pháp dùng để giam giữ tù chính trị, chiến sĩ cách mạng trước năm 1945. Tổng thể khu di tích được chia thành 4 khu vực chính bao gồm: nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, cụm tượng đài “Bất khuất” và 2 ngôi mộ tập thể. Đến tham quan di tích, du khách sẽ hiểu hơn về những năm tháng gian khó của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Ngục Kon Tum được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 16/11/1988.

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Di tích lịch sử chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh

Đắk Tô - Tân Cảnh là địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng oai hùng của tỉnh Kon Tum. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây đã từng xảy những trận đánh ác liệt giữa ta và địch, đặc biệt là trận đánh giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh năm 1972… Ngày nay, Di tích lịch sử chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh đã trở thành niềm tự hào về truyền thống đấu tranh của nhân dân các dân tộc Kon Tum và là điểm đến của du khách gần xa. Di tích được công nhận Di tích đặc biệt cấp quốc gia (Quyết định số 2449/QĐ-TTg, ngày 22/12/2016).

Bảo tàng tỉnh Kon Tum

Bảo tàng tỉnh Kon Tum nằm ngay ở vị trí điểm đầu cửa ngõ vào trung tâm thành phố Kon Tum, bên dòng Đăk Bla hiền hòa, lộng gió. Với hơn 20.000 hiện vật - tư liệu, hình ảnh, tài liệu khoa học được trưng bày, bảo tàng đã phản ánh những nét đặc sắc trong lịch sử, văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum. Hiện nay, bảo tàng đã trở thành một địa điểm tham quan của du khách gần xa trong hành trình khám phá các vùng đất Tây Nguyên, khám phá vùng đất 3 biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Ngoài việc tham quan trực quan, đến với Bảo tàng Kon Tum du khách còn được xem những thước phim tài liệu, khoa học, giới thiệu một cách có hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.

Tòa Giám mục Kon Tum

Tòa Giám mục Kon Tum có tên gọi đầy đủ là Chủng viện thừa sai Kon Tum. Đây là một công trình kiến trúc phương Tây kết hợp với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống, được thành lập vào năm 1935. Trừ hàng trụ dưới sàn nhà làm bằng xi măng cốt thép, còn lại toàn bộ ngôi nhà được xây dựng bằng các loại gỗ quý, có độ bền cao với thời gian. Nằm khuất sau hai rặng sứ luôn rợp bóng mát, Tòa Giám mục Kon Tum mang dáng vẻ yên bình như chính nhịp sống của người Tây Nguyên. Qua cánh cổng nhỏ, du khách có thể chậm rãi rảo bước và cảm nhận mùi thơm dìu dịu của những bông hoa sứ.

Lễ hội Kon Tum

Ở Kon Tum - đất và người đều gắn liền với lễ hội. Từ những lễ hội xung quanh vòng đời người đến những lễ hội về sản xuất, trồng trọt và lễ hội về sự tồn tại, phát triển của cộng đồng. Đến với các lễ hội Kon Tum du khách như chìm trong cảm xúc sâu lắng bởi những ánh lửa bập bùng, những cần rượu ghè vút cong, tiếng cồng chiêng ngân vang hòa nhịp với những bước chân uyển chuyền và bàn tay dập dìu của cô sơn nữ.

Lễ hội cồng chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Kon Tum. Cồng chiêng Kon Tum đã góp phần đưa Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lễ hội Cồng chiêng - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Lễ bỏ mả

Lễ bỏ mả là nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Không chỉ có các nghi thức cúng thần linh và cúng người chết, Lễ bỏ mả còn quy tụ nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật đậm chất Tây Nguyên như cồng chiêng, múa xoang, những lễ vật, ẩm thực truyền thống, hoa văn trang trí, ngữ văn dân gian qua các bài cúng. Đặc biệt, Lễ bỏ mả thể hiện tinh thần nhân văn của người Ba Na, Gia Rai trong việc giải thoát mối ràng buộc giữa người sống với người chết.

Lễ mừng lúa mới

Khi bắt đầu thu hoạch mùa lúa mới, gia đình người Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu và Rơ Măm tổ chức lễ mừng lúa mới. Thông thường, mỗi gia đình chuẩn bị gà, rượu, để dâng lên Yàng (ông trời). Sau đó cả làng tập trung lại để làm lễ, dưới sự chủ trì của già làng trong tiếng cồng chiêng rộn rã và cùng nhau múa hát thâu đêm bên ánh lửa bập bùng.

Tuần lễ Văn hóa - Du lịch

Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum là hoạt động văn hóa, chính trị nhằm tôn vinh, giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch tỉnh Kon Tum.

Chương trình cũng tạo không gian để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời tạo cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp du lịch giới thiệu những sản phẩm mới; kích hoạt, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc trong khu vực.

Ẩm thực

Phố núi Kon Tum là nơi gặp gỡ của ẩm thực 3 miền, tạo thành nét đặc trưng, nhẹ nhàng mà riêng biệt. Du khách một lần đến Kon Tum đều không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức ẩm thực vùng Bắc Tây Nguyên với sự tò mò và thích thú. Để rồi ai cũng phải công nhận đó là sự hòa quyện tuyệt vời, khéo léo giữa nét dân dã và cầu kì, giữa sự đơn giản và phức tạp ẩn chứa trong từng món ăn.

Măng le chua, măng khô

Măng rừng ở Kon Tum có rất nhiều loại nhưng ngon nhất vẫn là măng le, phần ngọn của cây măng. Loại măng này đặc ruột, bùi, cho vị ngọt, không hề chát hay đắng. Ở Kon Tum, măng le thường được sử dụng để nấu chua, hầm xương, kho thịt, xào… Khi có dịp đến Kon Tum, nhiều người thường tìm mua món măng đặc sản này để làm quà mang về.

Rượu cần

Đến với Kon Tum, dù ở bất cứ hàng, quán nào hay đơn giản chỉ dừng chân ở một ngôi nhà của người dân, du khách đều có thể thưởng thức chén rượu cần thơm đậm tuyệt vời. Rượu cần ở Kon Tum có hương vị thơm, cay dịu và ngọt, là đặc sản gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Sâm Ngọc Linh

Là “thần dược” quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Kon Tum, sâm Ngọc Linh chứa lượng lớn các dưỡng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt khi sử dụng ngâm với mật ong, hay ngâm rượu. Chính vì lý do đó, rượu sâm Ngọc Linh trở thành thức uống, món quà được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng.

Gà nướng Kon Plông

Gà nướng là một món ăn đặc sản đậm chất núi rừng mà bất cứ ai ghé Kon Tum cũng muốn một lần ăn thử. Với cách chế biến đặc biệt và hương vị thơm ngon, quyến rũ, món ăn này đã được Tổ chức kỷ lục Guiness Việt Nam xác lập là 1 trong 50 món ăn nổi tiếng của Việt Nam.

Gỏi lá

Gỏi lá Kon Tum là sự hòa quyện của gần 60 loại lá mọc trên vùng đất đỏ bazan. Gỏi lá đưa thực khách đến gần hơn với đặc trưng của văn hóa ẩm thực Tây Nguyên vì khi ăn từ việc chọn lá, lấy thức ăn kèm và cuốn gỏi phải dùng tay mới đúng điệu. Món gỏi lá đã được Tổ chức kỷ lục Guiness Việt Nam xác lập là 1 trong 10 món ăn đạt kỷ lục châu Á.

Cơm lam

Không chỉ làm say đắm lòng người bởi tiếng đàn đá mang âm thanh của núi rừng hay hơi rượu cần say chếch choáng, vùng đất Tây Nguyên còn khéo léo giữ chân du khách ở lại bằng những đặc sản mang đậm hương vị của cao nguyên nắng gió này. Trong đó, có lẽ không thể bỏ qua món cơm lam - một sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.

Cơm lam - Đặc sản của vùng đất Kon Tum

Ngày nay vào các dịp lễ lớn trong năm, cơm lam luôn là món ăn làm lễ được người Tây Nguyên dùng để tạ ơn và cầu mong cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Khi đến nơi đây người ta sẽ không thể từ chối thử ăn cơm lam một lần và khi ăn rồi sẽ mãi nhung nhớ mùi vị cơm lam của đất trời cao nguyên, của những con người chân chất, mộc mạc.

Có thể nói, với tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, những năm gần đây Kon Tum đang từng bước trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với những định hướng và chiến lược đúng đắn, trong tương lai không xa, Kon Tum sẽ là điểm nhấn của con đường xanh Tây Nguyên, nối kết các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam